Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008

Silent communication


Hôm nay nhận được thư bố. Bố vẫn thế, vẫn cặm cụi viết những lá thư bằng những tờ giấy học trò có 5 dòng ly kẽ và những nét chử ghì đậm màu xanh . Bao năm rồi bố vẫn không thay đổi. Vẫn gởi gấm những khoảnh cách của thời gian và sự chờ đợi vào trong mổi cuộc đối thoại đối với con cái . Có lẽ đối với bố, khoảng trống chính là mãnh đất cần thiết để cho những sự cảm thông có thể đâm chồi nẩy lộc .

Bố nói rằng bố đã bán căn nhà cũ. Cuối cùng thì bố cũng đã bán . Đối với bố, kĩ niệm với căn nhà còn dài hơn cã 1 đời. Có những lần bố đã định bán, người ta đã đặt tiền cọc, rồi bố lại đổi ý không bán nữa. Lý do chỉ đơn giãn là vì bố không ưng người chủ mới. Căn nhà rồi sẽ bán. Việc người chủ mới sẽ như thế nào có liên quan gì tới cuộc sống mới của bố đâu? Nhưng đối với ông, có lẽ chỉ có căn nhà mới hiểu nỗi cái sự ràng buộc ông dành cho nó.

Bố là một người đàn ông có trái tim yêu quê hương mãnh liệt. Ông yêu từng viên sỏi, nắm đất, chiếc lá, cành cây, đến từng con giun con dế... Quê hương chôn nhau cắt rốn của ông ở miền bắc. Mọi căn nhà ông xây sau khi di cư vào nam đều hướng về hướng bắc, nơi trước nhà có vì sao Bắc đẩu xuất hiện mổi buổi đêm khuya. Ở trước cửa ông đặt 1 cái ghế. Mồi ngày ông ngồi nhìn về hướng bắc với sự trầm tư xa xăm. Thế nhưng 32 năm kể từ ngày đất nước hòa bình, ông vẫn không về 1 chuyến, và ông sẽ vĩnh viễn không về.

Trong thư, bố vẫn gọi tôi bằng "bé" như ông vẫn thường gọi tôi khi đối diện . Ngôn ngữ vẫn không đổi thay, nhưng khoảng cách cứ xa dần. Tôi chờ đợi những điều bố răn bảo như những ngày còn bé, nhưng có lẽ ông đã nhìn tôi như 1 người đã trưởng thành. Ông vốn kiệm lời. Tôi lại là người không hay bày tỏ cảm xúc bằng ngôn ngữ âm thanh. Mà chử nghĩa trên giấy thường hạn hẹp. Tôi cảm thấy như tôi và bố đang đi vào ngõ cụt của sự trao đổi. Tôi lớn lên theo suy nghĩ của tôi, ông nhìn sự việc trong sự trầm tư của ông. Hai thế hệ đi về hai hướng với những sự khác biệt không dám bày tỏ, mà cả hai đều sợ nếu lỡ sơ ý một chút có thể làm đối phương đau lòng.

Ngày còn bé, tôi thường hay thích nói và kể cho bố nghe tất cả những gì có thể hiện lên trong đầu tôi, ở bửa ăn, lúc dạo mát, lúc nhìn bố ươm cây, lúc thấy bố lao động cực nhọc... Tôi vẫn líu lo như chim.

Giờ đây, có những buổi trưa tôi ra hiên ngồi với bố. Hai bố con nhìn về hướng đồi ngút ngàn cây xanh. Im lặng. Bố đã bị điếc, phải dùng công cụ gắn vào tai để nghe. Tôi không thể đòi hỏi bố đeo ống nghe lên và chú ý chỉ để nghe tôi hỏi những câu hỏi ngốc nghếch "Bố ơi, cái cây này khi nó lớn thì nó cao đến đâu hả bố?" hoặc là, "Trời với mây như này mai nắng hay mưa bố nhỉ?" như ngày nào tôi vẫn luôn hỏi, mà chỉ có những người cha mới có thể trả lời một đứa con với tất cả sự kiên nhẫn và trìu mến.

Thĩnh thoảng, tôi hay mua chè thập cẩm về ngồi trước hiên cùng ăn với bố. Bố ăn vài viên xương sa, rồi không ăn nữa. Bố đã già. Đã quên những thói quen ngày cũ thĩnh thoảng hay dắt tôi lội dốc ra khu chợ đêm chỉ để ăn một ly chè. Dòng đời bố chảy về một hướng với những nếp nhăn mới chồng lên nếp nhăn cũ. Còn đời tôi chảy ra trăm hướng nhưng chỉ nhớ mỗi con nước đoạn đầu nguồn.

Cái may mắn được làm con giữa, có anh chị ở trên, và em ở dưới, đó là sẽ giảm được sự chú ý quan tâm, và giảm được sự đòi hỏi (expectations) từ bố mẹ. Tôi sinh ra làm con giữa. Nhận thức được điều đó, tôi tự do tung bay và trưởng thành ngoài ý thức và trọng trách . Tôi không có nhiều cao vọng và cũng chẳng cần phải sống để chứng minh điều gì, hoặc là phải làm đẹp lòng ai. Những sứ mạng đó đã có anh chị tôi gánh vác. Cứ thế tôi hiển nhiên nhỡn nhơ trưởng thành ngoài vòng kiểm soát và ý thức của gia đình.

Trong mắt bố, có lẽ có 1 điều gì đó thất vọng về tôi. Sự thất vọng đó nằm ngoài ý thức của bố. Tôi xác định thế, bởi vì bố không bao giờ thổ lộ. Mà chắc chắn bố không bao giờ thổ lộ bất cứ điều gì làm người khác đau lòng, bởi vì ông là người tế nhị, tế nhị ngay cã trong những lời dậy bảo con cái hoặc trong lúc nóng giận. Một câu nói của ông thoát ra cửa miệng là bao gồm 1 hàm ý sâu xa, và đã được chuẩn bị kĩ bởi rất nhiều sự suy nghĩ đắn đo.

Tôi ước như ngày nào bố tôi vẫn coi tôi còn bé, để có thể nói cho tôi về điều ông đang thất vọng về tôi, để tôi có thể kể cho ông nghe về câu chuyện đời mình. Về những ngã đường tôi đi không có thảm hoa lộng lẩy như tôi đã từng thêu dệt và nói dối trên những trang thư tôi gởi cho bố an tâm . Nhưng, có lẽ tôi thà bố cảm thấy thất vọng về tôi, hơn là phải nghe những sự thật để làm ông sống trong dằn vặt và đau lòng. Cuộc sống nó là như thế. Có những con đường người ta phải đi qua và sẽ chẳng bao giờ được 1 lần quay trở lại. Có những câu hỏi không nhất thiết phải có câu trả lời, và có những hiểu lầm không cần lời giãi thích. Và như thế, có những cuộc đối thoại mãi mãi chìm trong yên lặng.

Pensee