Thứ Tư, 12 tháng 11, 2008

Hỏa, thổ, kim, mộc, thủy ...



Hôm nay, mình nhóm ngọn lửa đầu tiên cho lò sưởi mùa đông . Mùa đông này về không biết chậm hay trễ và giờ đã là mùa đông chưa hay vẫn còn lãng đãng hơi thu ?

Nhìn ngọn lửa cháy bập bùng, tôi chợt nhớ tới ngày còn nhỏ, mùa đông tôi hay ngồi khoanh chân như vầy trước biếp lửa, bên bà ngoại hay bắt tôi kể chuyện vặt cho bà nghe . Thỉnh thoảng vài củ khoai lang nướng kêu xèo xèo với mùi vỏ cháy nồng mùi khen khét.

Xem ra, con nít đứa nào cũng thích nghịch nước và lửa hết nhỉ! Tôi thì thích nghịch lửa hơn là nước, và đã bị 2 vụ xém làm cháy nhà . Có lẻ theo người ta nói là vì mạng tử vi của tôi là mạng Mộc . Mộc thì có lợi cho hỏa . Số là theo lịch tàu, thì năm sinh của tôi thuộc vào năm thủy (đại khê thủy) tuy nhiên theo luật can-chi ngũ hành thì tôi lại thuộc vào mạng mộc .

Nhân tiện bàn đến luật ngũ hành của người TQ. Tiếng Mỹ gọi là five elements, hay phải gọi là 5 phrases thì đúng hơn . Theo luật thì mộc sinh hoả, hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, và thủy thì có lợi cho mộc . Cứ như thế cuộc sống tuần hoàn . Theo cái luật này, có lẻ ngày xưa người tàu họ chưa nhận ra tầm quan trọng của không khí . Tôi không biết không khí (air) tiếng Hán là gì, nhưng chắc chắn năm quá trình (ngũ hành) này không thể hình thành nếu "không khí" không đóng 1 vai trò quan trọng trong đó .

Từ ngàn xưa, các triết gia Hy Lạp đã nhận định rằng water (Thales), air (Anaximenes), earth (Xenophanes), and fire (Heraclitus) chính là các trạng thái căn bản của vật chất . Nhờ đó mà sau này Plato khám phá ra cấu trúc của nguyên tử (atoms) cùng với hình dạng (geometrical shapes) của chúng để rồi nhờ đó khởi nguồn cho các nghiên cứu và khám phá sau này, và kết quả là hiện tại chúng ta có tới 117 nguyên tố . Có thể nói Plato chính là cha đẻ của ngành hóa học hiện đại .

Như thế thì giữa triết lý Hy Lạp và triết lý Trung Quốc, chúng ta thấy đã có 1 khoảng cách xa rồi . Đã lỡ bàn đến triết học Đông và Tây thì mình bàn luôn về môn tử Vi . Chả là vì hôm nọ thấy bên DT có ai đó posted cái tử vi của ông Obama rồi bàn loạn tùng xèo . Theo tôi được biết thì môn tử vi Trung Quốc được dựa trên cách hoán chuyển và an vị của các ngôi sao, mà theo 1 công thức từ ngàn xưa nào đó đã qui định (chỉ bởi danh sách một số ngôi sao nhất định này thôi)**(xem tiếp chú thích) sẽ hình thành vận mệnh của 1 con người hoặc 1 sự kiện theo 1 platform nhất định nào đó . Cái môn chiêm tinh này cũng được dựa theo thuyết tuần hoàn của ngũ hành kim-mộc-thủy-hỏa-thổ. Nếu nói về môn chiêm tinh, thì từ ngàn xưa ở Do Thái họ cũng tin vào khoa chiêm tinh . Bằng chứng là trong kinh thánh, 3 ông vua đã khăn gói quả mướp đi tìm chúa hài đồng dựa theo sự hướng dẫn của 1 vì sao .

Bây giờ để tôi bàn về các vì sao và sự vô lý của khoa chiêm tinh . Này nhé, nếu một người sinh ra và có 1 số mạng đã được định sẳn bằng sự hình thành (formation) của 1 số vì sao ở một vị trí và thời khắc nhất định (khi đứa bé sinh ra). Như vậy, với vận tốc của ánh sáng và sự mơ hồ về khoảng cách của những vì sao và trái đất, làm sao các vị chiêm tinh có thể ngồi 1 chổ bấm nút tay mà có thể biết được thời khắc nhất định nào các ngôi sao của mình đã được hình thành để mà đối chiếu với thời khắc trên trái đất mà đứa bé sinh ra .

Thử làm 1 bài toán nhỏ làm ví dụ nhé . Ánh sáng travels với vận tốc khoảng 300,000 kilometers trên 1 giây . Nếu một ngôi sao (được cho là hộ mệnh của tôi) vì nó cũng xuất hiện ánh sáng trên trái đất - trong tầm nhìn của nhà chiêm tinh gia - cùng lúc tôi chào đời, và nó ở cách xa tôi (trái đất) khoảng 2x10^15km, thì ánh sáng của nó phải đi mất khoảng trên hai trăm năm mới đến mặt đất . Như vậy, cái lúc ông thầy chiêm tinh nhìn thấy được ngôi sao hộ mệnh của tôi thì lúc đó chính bản thân ngôi sao nó cũng có thể đã biến mất trên giang hồ và chủ nhân của ngôi sao đó chắc chắn cũng đã ngủm củ tỏi dưới lòng đất từ đời thiên địa nào rồi.

Cùng trường hợp đó khi các nhà chiêm tinh bấm quẻ ở thời khắc họ cho là các ngôi sao đang đối chiếu, thì theo Einstein's relativity thì cái giờ đó nó đã xãy ra cả 1 thời gian dài trước đó, hoặc sau đó . Làm sao họ có thể xác định được mốc thời gian của 1 định mệnh được khởi sinh hoặc bị hủy diệt ? Xem ra khi 1 nhà chiêm tinh đang coi lá số cho bạn, thì ông ta đang dùng lá số của 1 tiền nhân nào đó đã từng tồn tại mấy trăm (hoặc ngàn) năm trước mà tưởng như đang đi song hành với chúng ta trong cõi đời này . Tôi nghĩ chúng ta không cần phải là nhà khoa học để nhận ra sự vô lý này . Phải không nhỉ?

Trở lại cái chổ chú thích ** ở trên về danh sách số ngôi sao dùng trong khoa tử vi. Cái vô lý mà tôi thấy đó là trong 1 tích tắc, ngoài vũ trụ bao la kia có vô số tinh tú được tự sinh và vô số khác cũng bị hủy diệt. Với những khoảng khắc khác nhau, làm sao biết được những ngôi sao ấy còn tồn tại hay không để mà dùng chúng làm nền tảng cho mỗi vận mệnh?

mèn... ngồi khoanh chân ngắm lửa mà tôi cũng có thể kiếm chuyện để gây với khoa tu vi.

Pensee

Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2008

khong de

Hôm nay trời mưa tầm tả . Mình ngủ 12 tiếng đồng hồ, thức dậy, chạy lòng vòng lo công chuyện xong về nhà mở cửa nằm nghe mưa rơi ngoài mái hiên sau . Giọt mưa rả rít, đều đều, trầm, buồn . Không gian yên tịnh . Mênh mông .

Ngồi đây mình nhớ lại những con đường đông nghẹt, khói xe, người chen chút người . Những khuôn mặt đầy ưu tư mà có lẻ tuổi của họ ít hơn những nếp già theo sự trưởng thành y học mà họ phải cưu mang . Những cô gánh hàng rong trên đường . Những ông cụ bà cụ còng lưng khuân vác .

Huong Vietnam - My Phuong Nguyen & Thierry David

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2008

Khe khẽ sau lưng


























Hai tay cô ôm trái bí đỏ . Hai lọn tóc bồng bềnh chảy xuống đôi vai dưới chiếc áo thun ngắn tay màu mỡ gà . Chiếc váy ngắn để lộ đôi chân dài thon thả trong đôi ủng da . Cô vừa sải những bước chân chậm rải vừa nghịch ngợm đá tung những đống lá vàng nằm ngập trên lối đi .

Bên cạnh cô, anh bước những bước chân dài và chậm hơn. Trên vai anh đeo chiếc túi vải bạc màu đong đưa theo nhịp . Hai tay anh thọc vào túi chiếc áo khoác như không biết xử dụng chúng vào việc gì cho thích hợp .

Mặt trời trải dài những vệt nắng cuối ngày trên những cánh đồng ngô vàng ở phía tây xa xa . Những đóa hướng dương đong đưa trong gió quyện theo mùi hương rất nhẹ . Cũng có thể là mùi nắng . Cũng có thể là mùi lá khô .

Trước mặt họ có vài tốp cô cậu bé đang đi tới . Chúng súng xính trong bộ y phục hoá trang cùng với chiếc mặt nạ và chiếc bao kẹo to cồng kềnh . Đứa thì thành ma cà rồng với chiếc áo choàng màu đen và bộ răng nanh dài đến cằm, đứa thì thành những người hùng x-men hoặc người nhện đen xì hoặc "the hulk". Họ đi thành từng tốp nối đuôi nhau .

- Trick or treat?

Họ reo to và ào vào một ngôi nhà trước mặt . Ngôi nhà nhỏ nhắn xinh xắn với những ánh nến lung linh tỏa ra từ những trái bí ngô với những hình khoét linh động được đặt trước mái hiên . Chủ nhân bước ra với y phục hóa trang là một bà tiên hiền dịu . Bà tiên ban phát cho những cô cậu những viên kẹo sữa đường, những vĩ m&m, hoặc phong đậu phộng sô cô la .

Cô quay qua hỏi anh:

- Lúc bé anh thích làm nhân vật gì thế ?

- Superman.

- Ôi chán ...

- Thế còn em ?

- Belldandy

- Em còn chán hơn .

- Ha ... Em chợt nhớ đến cái hình của anh lúc bé . Hình anh ngồi trên ghế mây mặc cái quần thủng đáy đấy .

- Làm như hay lắm . Con nít đứa nào chẳng có cái hình đấy . Làm như em không có .

- Em không có .

- Chắc em ngố hơn nên không dám khoe .

- Không có thật mà .

- Để hôm nào anh hỏi mẹ em .

Bổng dưng họ đi chậm lại . Cô khẻ gọi anh :

- Anh này!

- Hở

- Ngôi nhà lúc nảy xinh quá anh nhỉ?

- Ừ

- Khi nào mình học xong, mình cũng có ngôi nhà xinh như thế anh nhé ?

- Ừ

- Cũng có những bực thang và cái ống khói màu gạch như thế nhé ?

- Ừ

Một cơn gió nhẹ lại thổi qua, mang theo những chiếc lá cuối cùng của mùa thu lìa khỏi cành . Tiếng tàu điện rồ lên từ sân ga khiến chân họ đồng lúc sải bước nhanh hơn .

- Anh này!

- Gì ?

- Anh đến thăm em nữa chứ?

- Ừ

- Khi nào ?

- Kì nghĩ sau khoá học tới .

- Thế là phải mùa Đông cơ à ?

- Ừ

- Lâu nhỉ ?

- Ừ

Khuôn mặt họ trở nên trầm tư. Hơi lạnh cuối mùa thu đang ùa về kéo theo những đám mây mỏng che khuất một mảng trời hồng bắt đầu chớm lên những vì sao sớm .

- Anh à ?

- Gì ?

- Anh có ... nhớ em không ?

- Ừ

Cô cắn môi lầm bầm trong miệng:

- Sao anh chỉ có biết "Ừ" mải thế ?

Cô chợt đứng lại . Anh đứng chờ theo, vụng về:

- Em không có sao chứ ?

- Không có sao .

Cô vừa trả lời vừa đưa trái bí lên che khuôn mặt đang phụng phịu chảy dài . Anh càng bối rối:

- Thế thì sao ?

- Đã bảo là không sao .

Khóe mắt cô ươn ướt . Cô cúi gầm mặt . Anh đưa tay ra nắm lấy bàn tay cô rồi bỏ vào trong túi áo của mình . Đứng yên lặng một lúc, họ lại tiếp tục rãi bước . Những chú nhện giăng mùng trên những tàn cây khô dường như cũng đang im lặng hòa nhịp cùng trái tim họ .

- Anh này .

- Ừ

- Sao anh chẳng bao giờ nói nhớ em . Anh có nhớ em không ?

- Có ... mà hình như không .

- Sao lại thế ?

- Không nói .

Rồi anh cười nghịch ngợm và chạy lên trước . Cô rượt theo . Những cơn gió cũng càng lúc càng đuổi nhau nhanh hơn khiến cho những tàn lá cây khua lên xào xạc .

Cuối cùng họ cũng đến trước cửa trạm tàu điện . Cô trao tay anh trái bí đỏ làm quà . Những tiếng còi tàu không ngừng rít lên giục giã . Khóe mắt họ buồn hiu . Sao những ngày nghỉ mùa thu đi qua nhanh thế nhỉ ?

Anh nhìn đồng hồ và ánh mắt bổng dưng sáng lên:

- Mười giờ chuyến bay của anh khởi hành . Tàu điện chạy 20 phút đến phi trường . Bây giờ là 6 giờ 25 . Anh còn thêm 10 phút nữa cho em .

Họ nhảy cẩng lên vui mừng .

Mùa thu rón rén bước khe khẽ đàng sau lưng ...

Pensee

Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2008

Khoảng khắc Cinema Paradiso
















Hồi nhỏ tôi rất mê đến rạp xem chiếu bóng . Mỗi lần được chị tôi, hoặc nhà trường hứa hẹn cho đi xem một cuốn phim gì mới công chiếu là lòng tôi nô nức đến nỗi tối hôm trước ngủ không được, cứ nghĩ về nó và lòng tràn lên một hạnh phúc lâng lâng. Niềm vui đó nó tương đương như ngày tết .

Tôi không khỏi nghĩ đến giây phút đứng xếp hàng trước rạp, tay cầm chắc chiếc vé có in số ghế ngồi . Rồi tôi sẽ mua một vài viên kẹo đường hoặc túi đậu phộng luộc của các cô cậu bán hàng rong . Rồi tôi sẽ ngồi yên lặng trong rạp chờ đợi, cho đến khi mọi bóng đèn vụt tắt . Âm thanh ồn ào hổn độn của tiếng cười đùa, la hét, bổng ngừng bặt . Một sự yên lặng tuyệt đối . Chung quanh tôi, mọi cặp mắt dường như đang tròn xoe trong bóng đen . Mọi người đều sẳng sàng trong tư thế chờ đợi . Bừng . Màn ảnh rộng lớn được kéo ra . Sáng ngời . Những thước phim nhựa bắt đầu chạy dọc trên màn ảnh, kèm theo tiếng cọc cạch, cọc cạch, của chiếc máy projector phóng ra từ phía cuối rạp .

Những dòng chử hiện lên, tên diễn viên, tên đạo diễn... Tiếng súng nỗ, tiếng tàu lửa chạy ... Bóng người mẹ choàng chiếc khăn đen đổ dài trên con đường làng . Bà lầm lủi bước đi, đôi mắt gióng về phía cuối con đường .

"Con đường này đã đưa bao nhiêu thanh niên ra trận . Bà chẳng chờ đợi ai ."

"Alyosha, khi em nói em không còn người thân nào cả, có nghĩa là em muốn nói em yêu anh đấy, ngốc ạ!"

"Anh có yêu em không?"

Đấy là hình ảnh và lời thoại của thước phim "Bài tình ca Người Lính", một trong những cuốn phim trắng đen mà tôi được coi lần đầu tiên trên màn ảnh rộng thời bé mà tôi còn mang máng nhớ được với trọn vẹn gói cảm giác trong veo .

Lúc tôi vào đại học, tôi được may mắn ở khu nội trú ngay sát cạnh rạp chiếu bóng . Những buổi tối cuối tuần vắng lặng trong không gian cô tịch của miền tỉnh lẻ, tôi thường đi bộ qua rạp, mua cho mình một vé theo chỉ tiêu giảm giá cho học sinh, thời bấy giờ là $4.50 một vé . Học sinh được bớt thêm 50%. Thêm một ly coke cỡ trung, một cái bánh mì súc xíc thơm nồng mùi dưa muối và cay cay vị tương cải xanh, thêm một thố bắp rang trộn bơ vàng béo ngậy thơm phưng phức . Lần nào cũng thế, cảm giác ngồi trong rạp chờ đợi xuất phim bắt đầu nó cũng cho tôi cái cảm giác bừng bừng tinh khôi . Cứ y như tôi vẫn còn là một đứa con nít đang ngồi đợi bóc gói quà ngày giáng sinh .

Vào mùa hè, rạp hát ở trường đại học vắng hẳn khán giả . Có nhiều hôm tôi là người khán giả duy nhất trong rạp . Tôi tha hồ chọn chổ ngồi ngay chính giữa khán phòng thênh thang, chỉ một mình tôi với màn ảnh rộng . Đến cái đoạn phim chiếu chiếc máy bay đang bay qua miền thảo nguyên . Tôi cảm thấy như mình như là nhân vật chính đang đi chinh phục thế giới, chinh phục những trở ngại nhỏ nhặt thường ngày, vượt qua những dặm thử thách để tung cánh bay theo những ước mơ . Tôi thấy mình trở nên vĩ đạị Và, cái cảm giác đó vô cùng mạnh mẽ, thiêng liêng.

Có một dạo, chiếc ghế ngồi cạnh tôi không bao giờ trống . Anh bạn thân học cùng lớp cũng xin được việc làm soát vé . Thế là cứ 9 giờ tối lại có thêm một cái bóng ôm nào là nước ngọt, bánh mì, kẹo gấu và bắp rang lui cui lần mò trong bóng tối vào chổ ngồi bên cạnh chổ tôi ngồi . Có phim chúng tôi coi đi coi lại hai ba lần là chuyện bình thường . Coi xong xuất sớm, chúng tôi ngồi tán hưu tán vượn, bàn luận đủ mọi chuyện trên đời, và chờ đợi xuất phim kế tiếp ...

Cuộc đời cứ thế trôi, kĩ thuật làm phim mỗi ngày mỗi tiến bộ . Nhưng những thông điệp về cuộc sống của những con người với những tư tưởng đẹp vẫn không hề thay đổi . Mỗi cuốn phim là một bức thông điệp về nhân sinh quan qua những mảnh đời khác biệt trên khắp mọi nẽo đường đời . Một cuốn phim được gầy dựng cách đây ba mươi năm theo bối cảnh thời bấy giờ cũng có thể đưa tôi vào hiện tại của thì quá khứ . Tôi cảm được trái tim mình nhói đau trước sự chia ly . Thế rồi nước mắt cứ thế lăn dài theo dòng âm thanh lúc trầm lúc bổng . Có lúc thoang thoảng chung quanh có tiếng nấc nghẹn và tiếng khịt mủi sụt sịt . Để đến khi nhân vật chính đứng trước mối đe dọa của tử thần, thì mọi tiếng động trở nên ngưng bặt. Hồi hộp . Nín thở . Thế rồi ngay sau đó cả rạp ồ lên những tiến cười rộn rã . Tiếng vỗ tay, tiếng hút gió vui mừng . Phải, cuộc đời này có gì đâu để mà thẹn thùng e ngại . Cứ khóc cứ cười cho thật đã, thật thoải mái, thật tự do .

"Mẹ đã không chờ được cha con, nhưng mẹ nhất định sẽ chờ được con . Về nhé, Alyosha."

"Shura, tôi còn một điều muốn nói cho em biết... đợi tôi .. "

Khi nào cũng vậy, khi cuốn phim kết thúc, tâm trạng của tôi cũng lềnh bềnh khó tã . Một nữa của tôi nằm trong thế giới hiện tại đang vương vấn với một mãnh đời nào đó không liên hệ gì đến tôi . Nữa còn lại của tôi như đã nằm hẳn trong thế giới cinema và nó đang giằng co để trở về với thế giới hiện tại .

Đấy, chính là lúc tôi xử dụng trọn vẹn gói cảm xúc mà đấng tạo hóa đã ưu ái trao ban tặng cho loài người.

Pensee

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2008

Xỏ Giày Vào














Khi còn là một đứa trẻ, mọi thứ hiện ra trước mắt nó đều kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Tôi cũng không ngoại lệ . Tôi còn nhớ năm tôi khoảng 6-7 tuổi tôi hay hỏi vặt kinh khủng, và những câu hỏi thường được lập đi lập lại . Có những buổi chiều tôi chỉ tay về hướng thành phố xa xa và hỏi bố tôi:

- Đó là cái gì?
- À, toà nhà lớn đó là sở lao động của thành phố.
- Còn đằng đó là cái gì ?
- Đó là cái tháp của chùa cao đài
- Còn đằng đó ? ... đằng đó ?

Ngón tay tôi không ngừng chỉ cho đến khi bố tôi mệt phờ và ông mất hết sự kiên nhẫn và điềm tĩnh vốn có . Ông đáp gọn lỏn khi ngón tay tôi chỉ đến một điểm xa tít:

- Chân trời.
- Là cái gì ? Khi nào bố dẫn con đến đó ?
- Là một nơi có rất nhiều cái văn minh mới lạ . Khi nào con học giỏi nhất lớp thì bố dẫn đến . Bây giờ thì đừng hỏi nữa, bố mệt rồi.

Tôi lớn lên với vô vàn những thắc mắc lẩn quẩn trong đầu . Tôi tò mò về tất cả mọi thứ, ngay cả những điều mà người lớn bảo là con nít không nên tò mò . Khi sự tò mò về những điều xung quanh đã được đáp ứng thì tôi bắt đầu hướng về những phía chân trời xa nơi chứa những điều bí ẩn về thế giới văn minh kì lạ . Bố tôi là một người luôn giử lời hứa cho dù đó là một lời hứa vặt vãnh . Mỗi lần ông gọi tôi, "nào, xỏ giầy vào" là tôi biết tôi sắp được đi đến một nơi nào đó hoặc là ít nhất cũng sẽ khám phá ra một điều gì đó mới lạ .

Cứ như thế, tôi lớn lên, khi tôi không vừa ý với những gì hiện tại, tôi luôn nhớ về chân trời của bố tôi và những chử, "nào, xỏ giầy vào ."

Những buổi chiều, sau một ngày làm việc mệt mỏi với cả núi công việc và những trách nhiệm khiến tinh thần tôi uể oải, cuộc sống của tôi trở nên nhàm chán, vô vị.

Xỏ giầy vào - Tôi bảo tôi như thế.

Bước ra đường tôi có thể cảm nhận những hạt nắng cuối ngày đang còn đùa nghịch trong gió .

Trên những con đường, tôi bắt gặp những bà mẹ đang đẩy những chiếc xe nhỏ chở những em bé với khuôn mặt bầu bỉnh và những cặp mắt tròn xoe nhìn tôi cười toe toét . Con nít sao thích cười thế nhỉ ? Mà tại sao nụ cười đó lại biến mất khi người ta đã lớn ? Mà phải công nhận, khi cười, cảm giác thật khỏe mạnh . Hãy thử đi . Nhắm mắt lại . Nhè nhẹ hít một hơi thật sâu vào . Rồi, thở ra . Mở mắt ra . Nhìn vào mắt em bé rồi cười thật tươi vào . Cười sao cho đúng cái cười của em bé ấy . Ôi, tinh khôi làm sao .

Tôi cũng gặp một vài ông bà cụ đẩy những bánh xe lăn hoặc bước rà theo những chiếc gậy giúp người già đi bộ . Họ đi chậm rãi từng bước từng bước một . Ấy vậy mà họ lại còn dắt thêm những con chó con bé tí ti bằng những quả dưa chuột nữa chứ! Thỉnh thoảng họ phải dừng lại lui cui giúp con chó đi vệ sinh, rồi họ lại phải cúi còng người xuống để dọn dẹp những vết nhơ con chó đã để lại trên mặt đường . Phải chăng đó là thái độ của những người đi mon mót niềm vui hiếm hoi trong cái tuổi già hiu quạnh không nhỉ . Hình ảnh này làm tôi khựng lại trước cái viễn cảnh tương lai của tôi khi mà sức khỏe không còn hiện diện nữa . Tôi bổng rùng mình .

Con đường tôi chạy mỗi ngày dài hơn một dặm . Từ con phố nhỏ chạy băng qua khu công viên . Có những ngôi nhà im lặng cổng kín tường cao với khu vườn bên trong cỏ non xanh mươn mướt. Có những ngôi nhà với những cánh cửa sổ he hé mở vọng ra âm thanh ồn ào văng vẳng từ những chiếc máy truyền hình mỏng khổ lớn treo trên tường . Tiếng TV át hết tất cả mọi âm thanh . Có những ngôi nhà thơm ngan ngát mùi thức ăn mà chắc chắn trong đó có một người cha, người mẹ hoặc một người vợ nào đó đang ưu ái dồn hết tâm tư vào bửa ăn tối . Gia đình này hẳn là hạnh phúc, bởi vì hiếm có ai có thể trói buộc mình trong nỗi bực dọc trước những món ăn đang bốc hơi thơm phưng phức thế kia . Thỉnh thoảng, ở đâu đó trên con đường tôi cũng thoạt nghe những tiếng cãi cọ, chửi rủa . Ở những cánh cửa nơi xuất xứ những âm thanh đó, tôi nhìn thấy bóng đêm hoàn toàn bao trùm . Tôi có thể hình dung ở một xó nào đó trong ngôi nhà ấy, có một cô bé hay cậu bé đang thu mình trong sự sợ hãi, cô đơn .

Rồi tôi chạy ngang qua cái công viên rộng lớn với những hàng cây xoè rộng những tán lá bên những chiếc xích đu và những chiếc cầu tuột đầy màu sắc . Mỗi lần chạy qua đây, tôi đều leo lên chiếc cầu tuột, tuột xuống 1 vòng . Tôi nhớ mình cũng đã từng là trẻ con . Mình cũng đã từng ao ước có một chiếc cầu tuột y như thế này đặt ngay trong sân nhà mình . Ước mơ đã qua . Ấn tượng về tuổi thơ đã mờ nhạt. Thế nhưng những cảm xúc vẫn còn đọng lại ngọt ngọt mặn mạn . Tôi vẫn còn chiếc sẹo nằm nguyên vẹn trên cùi tay này là dấu vết của những ngày mê xích đu hồi nhỏ . Chiếc xích đu của cái thời quê hương nghèo nàn và đổ nát . Chiếc xích đu đã không nhân nhượng tuổi thơ và nó đã đứt dây xích khi tôi hứng chí đu lên thật cao để hơn hẳn xích đu của đám bạn . Độp . Chiếc xích đu rơi . Tuổi thơ xích đu của tôi cũng rơi luôn từ đó và tôi không bao giờ dám chơi lại nữa . Xích đu, cầu tuột, bãi cát, bùn cưa . Cám ơn đôi giày cho tôi còn có dịp chiêm nghiệm những điều nhỏ nhặt và nhận diện rõ hơn những gì mình đã trãi nghiệm .

Khi lớn lên, tôi đã đi qua nhiều miền đất và nhận ra rằng thế giới chẳng hề có chân trời . Chân trời của bố tôi chỉ là những kì vọng không hề có giới hạn mà người cha thường luôn luôn dành cho con cái .

Những khi tôi mệt mỏi hoặc đứng trước những bế tắc của công việc, hoặc một ai đó làm tôi phiền lòng, hoặc cuộc sống này không mấy làm tôi vừa ý, tôi luôn tự sắm cho mình một đôi giày đi bộ mới . Bạn cũng nên như thế! Hãy luôn nhớ rằng vẫn còn một nơi nào đó trong thế giới này vẫn đang mong mõi chờ đợi bạn đi qua . Có câu nói là: "Always buy a good pair of shoes and a good bed as if you aren't in one you are in the other."

Vũ trụ này chính là ngôi nhà tạm trú của chúng ta và đôi giày chính là dụng cụ để đôi chân chúng ta cảm nhận được hơi thở của lòng đất . Khi chúng ta trong tư thế mang giày, chúng ta sẽ nhận thức được mình đang ở vị trí của một khách bộ hành, và khách bộ hành thì luôn luôn sẳn sàng cho những con đường phía trước . Cuộc sống này tất cả cũng chỉ là một điểm dừng chân tạm bợ, một nơi nghĩ giải lao để rồi chúng ta sẽ phải tiếp tục đi tiếp về phía trước . Trái đất hình trái cầu, và nó quay trong vòng tròn quĩ đạo . Nếu ta không đặt điểm khởi đầu thì những cuộc di chuyển chẳng bao giờ có điểm kết thúc . Chỉ có điểm dừng chân.

Nào, xỏ giầy vào!

Pensee

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2008

Tự Truyện

Tôi ra đời từ một cánh rừng gỗ bạt ngàn tại miền trung đầy nắng gió . Người có công thiết kế và chế tạo nên tôi là một bác kĩ sư làm việc đã lâu năm tại xưởng Canh Tân, một xưởng chuyên sản xuất và cung cấp bút chì và giấy viết. Sau cả ngày cặm cụi mày mò vẽ kiểu, lựa chì, bác cho tôi ra đời với mục đích để làm quà cho cậu con trai do bác một tay nuôi nấng từ khi mẹ cậu qua đời lúc cậu còn nằm trong nôi, và nay đã lớn và vừa tốt nghiệp cữ nhân ngành báo chí và thông tin .

Tôi may mắn được ra đời với một sắc vóc vô cùng nỗi bật giữa đám đông cho dù tôi có bị lẫn giữa những anh chị bút máy hàng hiệu đến từ những thủ đô văn minh như Ý Đại Lợi hoặc kinh đô ánh sáng Paris đi nữa thì tôi cũng dễ dàng bắt mắt người đối diện. Ruột của tôi được dùng một loại chì mầu đen đậm và chất lượng đặc nhất. Tôi có hình dáng thon và dài như các bạn thấy đại đa số họ hàng nhà bút chì chúng tôi vẫn thế. Nhưng điểm khác biệt của tôi là thân mình tôi không tròn như họ, mà nó hơi dẹp, nhìn nghiêng trông giống như một thanh kiếm. Tôi cũng không đội cục gôm ở trên đầu như đa số bọn bút chì thời nay . Lớp áo bên ngoài của tôi được sơn những đường thẳng màu huyết dụ cùng với những đường sọc đen xen kẽ như chiếc đai thắt lưng của một vị kiếm sĩ. Có lẽ người cha muốn dùng tôi để chuyển lời nhắn nhủ đến cậu con trai rằng, "Bút cũng như kiếm. Nếu không biết dùng nó sẽ trở thành kẽ hủy hoại."

Đấy là câu chuyện về lý do và nguồn gốc của sự xuất hiện của tôi . Thế nhưng thật đáng tiếc, cuộc đời tôi không bước theo những đại lộ suông xẽ đễ có thể chu toàn những ước mơ cao đẹp mà người chế tạo ra tôi hằng mong muốn đâu bạn ạ. Số là lúc tôi vừa được mặc lớp sơn veneer cuối cùng và được đặt ngay ngắn trên vị trí thoáng đãng để đợi lớp áo khô, thì ông chủ xưởng Canh Tân ghé thăm xem xét công việc làm ăn của xưởng. Kết quả là ông ta trông thấy tôi và đòi đem tôi về làm vật sở hửu, và từ đó cuộc đời tôi sang trang.

Nằm trong túi áo của ông chủ Canh Tân, tôi được đi dạo quanh tất cả các cơ sở làm ăn của ông ấy trên chiếc xe hơi đời mới bóng loáng, có chổ ngồi bằng da mát rượi, với dàn âm thanh tối tân và có cả tủ lạnh để chứa rượu vang trắng và nước trái cây . Ông quả thật là một người có óc kinh doanh, có tài tổ chức và có số lượng gia sản vô cùng đồ sộ. Bên cạnh xưởng Canh Tân, ông còn có xưởng Đời Mới chế tạo vải lụa và quần áo giày dép, cửa hàng Hoàng Kim thầu kinh doanh vàng bạc và kim cương với uy tín lâu năm vẫn luôn dẫn đầu thị trường về nhãn hiệu. Bên cạnh đó ông còn là chủ của đa số đất đai và địa ốc của những khu thương mại lớn nhất trong nhiều thành phố.

Ông chủ không bao giờ dùng tôi để viết, mà bắt tôi phải làm những chuyện tôi chẳng hề muốn chút nào, như là để đục thủng cái bì thư dày cộm, hoặc đánh dấu mấy loại hàng hóa ông không ưa, hoặc có lúc bất đồng với ai đó trên điện thoại, ông cầm đầu tôi nhấn mạnh xuống bàn như đang trút cơn giận dữ lên tôi. Sau một ngày dài ngoằng với những công việc tôi chẳng gì hứng thú, ông chủ đưa tôi về nhà, và cuộc đời tôi bắt đầu sóng gió.

Việc đầu tiên là bà vợ phốp pháp với làn phấn dầy cộm trên khuôn mặt lao vào phòng và thẩy lên mặt ông chủ một xấp giấy tờ. Hai người cấu xé nhau bằng những lời mạt sát tệ hại nhất. Bà ta xô và đấm đá túi bụi lên mặt ông. Ông cũng không vừa tát lên mặt bà vài phát tóe lửa. Bà lùi lại một bước và lấy đà xô ông một cú như trời giáng xuống nền nhà rồi bà quay lưng bỏ đi. Ông nằm đó ôm ngực. Hình như ông bị lên cơn trầm trọng vì bệnh tim. Tôi không rõ, nhưng hôm nọ ở xưởng Canh Tân, tôi đã có nghe loáng thoáng đám thợ truyền miệng với nhau về bệnh tình và gia cảnh bất hòa của ông chủ như thế.

Trước lúc qua đời ở phòng cấp cứu của bệnh viện, ông chủ dùng tôi để viết lại lời nhắn cho hai đứa con của ông. Thằng con lớn của ông đọc xong lời trăn trối của cha, nó tức tối vo miếng giấy có nét chì của tôi và quẳng xuống đất với khuôn mặt giận dữ. Nó giận cũng phải, vì ngoài anh em nó ra ông còn tới 6 đứa con khác bên ngoài để cùng phân chia tài sản . Đứa con gái thì ngồi im cặp mắt lờ đờ không cảm xúc. Có lẻ nó đang thăng cao vì thuốc phiện. Y tá đi vào đưa cho đứa con gái gói vật dụng ông mang theo trong người khi qua đời, trong đó có tôi.

Từ hôm đó, tôi theo về ở chung trong căn phòng bề bộn của đứa con gái luôn say xỉn bên cạnh những bao thuốc trắng. Ngày ngày nó đàn đúm với lũ con traị Có khi dẫn dăm ba đứa vào phòng giở trò xàm sỡ với nhau rồi cùng nhau thăng - get high . Một hôm mẹ nó ghé vào phòng trong lúc nó xay bí xỉ. Bà ta để lại một xấp tiền trên đầu giường và mượn tôi viết vài dòng cho nó, "Mẹ đi vắng, con ở nhà tự lo liệu ."

Lúc nó tỉnh lại, nó đọc dòng chử của mẹ nó một cách dửng dưng, rồi nó cầm tôi lên ngắm nghía . Nó muốn viết xuống một điều gì đấy, nhưng nó cứ viết được vài chử lại xóe toạc tờ giấy vất xuống đất và ôm mặt khóc rưng rức . Tôi muốn giúp nó viết ra những điều ứ đọng trong tâm hồn của một đứa con gái 16 tuổi đầy u uẩn, thế nhưng nó chẳng khi nào tỉnh táo để cần đến tôi, hoặc là ít nhất lắng nghe tôi .

Thế rồi nó lại lên cơn nghiện . Vơ được tôi, nó đưa lên mủi hửi hửi và thất vọng quẳng tôi xuống nền nhà vì tôi không thơm như bạch phiến. Nó lôi tiếp những bao thuốc trắng ra vừa hít vừa chích thẳng vào cánh tay. Nó cứ làm như thế liên tục cho đến khi nó té xuống đất, và cơ thể giựt lên liên hồi. Cuối cùng, việc gì đến cũng đã đến, nó trút hơi thở cuối cùng và nằm cứng đơ bên cạnh tôi .

Ngày đưa đám tang, mẹ nó khóc tấm tức, như bất cứ bà mẹ nào khóc con . Nhưng rồi sau đó bà cũng cho người dọn dẹp phòng nó sạch sẽ để bán lại căn biệt thự xinh đẹp cho một người quen .

Sau khi bà chủ cũ dọn đi, tôi bị người dọn dẹp vô ý làm rớt lại trong phòng. Người chủ mới là một bà giàu có với một đứa con trai bị tàn tật. Thằng con trai được sắp xếp ở trong căn phòng tôi đang ở . Thằng bé 14 tuổi nhưng lúc nào cũng cười khanh khách với khuôn mặt ngô nghê . Nó vớ được tôi tưởng là đồ ăn và đưa lên miệng cắn thử . Cắn không được nó quăng tôi lên tường và nằm lăn xuống sàn nhà giãy đần đật và kêu gào thảm thiết . Mẹ nó ở ngoài lao vào ôm nó vào lòng vừa khóc vừa đay nghiến cha nó, kẻ đã phụ bạc mẹ con nó để đi lấy người đàn bà trẻ đẹp và có thể sinh cho ông ta đứa con trai lành lặn hơn . Bà đay nghiến và chửi rủa chán rồi thì đứa con cũng lăn quay ra ngủ . Bà sực nhớ ra điều gì vội vàng chạy lao về phòng . Vừa bước ra cửa bà dẫm phải lên tôi, thế là bà nhặt tôi lên đem về phòng bà .

Ở phòng bà đã có một người đàn ông đang nằm chờ sẳn . Ông hỏi bà đã quyết định cho chuyện hợp tác làm ăn của hai công ty họ chưa ? Bà bảo bà cần phải tính toán thêm . Thế rồi bà lôi ra một cuốn sổ chi chít những con số khổng lồ ra và bắt tôi ghi lên đó những phép cộng trừ nhân chia . Ghi một hồi bà nỗi cáu vì cho rằng tôi lề mề chậm chạp . Bà lôi ra cái máy vi tính hiện đại và tiện tay quăng tôi ra ngoài cửa sổ không quên kèm theo những câu chửi rủa, "Thời đại này ai còn dùng ba cái cây bút chì quái này nữa ."

Thế là tôi từ giã ngôi biệt thự xinh xắn và sang trọng mà tôi đã tá túc gần một năm trời mà chẳng hề vơi đi số lượng chì nào . Thân thể tôi bị cú thẩy của người đàn bà kia rơi xuống đất cái ạch và lăn vào góc vĩa hè bên dưới đường . Cách đó 5 gang tay có một cậu bé đánh giày đang nàm co ro . Nghe tiếng động, cậu ta ngóc đầu dậy ngó tôi một cách thờ ơ, rồi nằm trở lại tư thế cũ . Tôi nghe rõ mồn một bụng cậu ta đang đánh trống . Tôi bèn làm quen:

- Thế nào ? Sao cậu không nhặt tôi đến nằm chung với cậu cho có bạn ?

Cậu bé trả lời trong nỗi bực dọc:

- Tôi đói lắm . Không rảnh đâu mà chơi với ông .

Tôi cũng lì lợm:

- Nhưng ít ra cậu cũng nhặt tôi lên đã chứ ? Biết đâu tôi lại đáng giá cái bánh cho cậu lót bụng ?

Nghe cũng xuôi tai . Thế là cậu ta nhặt tôi lên . Dưới ánh đèn đường lờ mờ hắt bóng trên bức tường trắng tinh của ngôi biệt thự, cậu ta tinh nghịch dùng tôi để vẽ lên đấy một miếng thịt nướng thơm phức mùi ngũ vị hương và béo ngậy mùi hành tỏi . Thêm một tô phở bò viên nước trong veo tỏa nồng mùi ngò gai và húng quế . Cậu nuốt nước bọt ừng ực . Còn gì nữa nào ? À cậu nhớ ra rồi . Cậu thèm một bình sửa trắng phau . Sửa mẹ hay sử bò gì cũng được . Từ nhỏ đến giờ cậu chưa từng được nếm qua mùi vị sửa tươi . Thỉnh thoảng, trông thấy những đứa bé vòi vỉnh không chịu bú sửa được bà mẹ của chúng ỉ ôi năn nĩ mà nước miếng cậu chảy dài và mắt cứ cay cay . Nghĩ đến đây, cậu buồn quá không thèm vẽ nữa, và nằm lăn xuống đất nhắm mắt lại cố dỗ giấc ngủ . Nằm bên cạnh, tôi cũng buồn không kém . Lần đầu tiên trong đời tôi hình dung được nỗi buồn rõ rệt của con người .

Sáng hôm sau mặt trời chưa ló dạng chúng tôi đã thức giấc vì những chuyến xe và những người buôn bán sớm . Cậu bé bỏ tôi vào chiếc hộp đồ nghề bằng gỗ và kéo tôi lê la khắp các nẽo đường với tiếng mời hàng lảnh lót . Thời bây giờ tìm được một người muốn đánh giầy còn khó hơn tìm kim dưới đáy hồ . Ở những khu nhà nghèo thì họ không có tiền để mua giầy da và lại càng không có tiền để đánh bóng tân trang . Còn ở những khu nhà giàu thì họ có bảo vệ xua đuổi không cho cậu bén mảng tới . Nhưng cho dù cậu có lọt vào bên trong những khu đó đi chăng nữa cậu cũng không thu hoạch được gì . Mode giầy thời nay thay đổi liên tục . Giầy chưa kịp bẩn đã bị lổi thời . Những người nhà giầu thì họ chẳng dùng những thứ lỗi thời .

Cậu ta tỉu nghỉu đi hết hang cùng ngõ hẻm . Cuối cùng, cậu đến trước cửa nhà ông giáo già, và đứng thật lâu trước cửa đợi ông . Có lẻ ông là vị khách hàng lâu năm và trung thành nhất của cậu . Ông có một đôi giày da màu đen đã sờn và đã cũ . Nhưng mỗi lần gặp nó ở đầu ngõ, ông đều nhờ nó đánh hộ . Trong lúc đánh giày, ông hay hỏi han về gia đình nó . Nó nói dối với ông nó đi đánh giày để phụ giúp cha mẹ nuôi mấy đứa em . Thật ra nó không có anh em hay cha mẹ gì cả . Với thân phận mồ côi nó sợ ông đánh giá nó và không muốn tiếp xúc với nó nữa . Hôm nay có lẻ ông giáo bệnh không ra ngoài và cậu ta đành lủi thủi trở về với cái bụng đói meo mà cả ngày chỉ húp toàn những tô thức ăn thừa thải ngoài chợ .

Nó trở về chổ cũ hôm qua tôi và nó gặp nhau và lôi tôi ra khỏi hộp gỗ . Chắc có lẽ nó định bụng vẽ một món ăn gì nữa đây ? Tôi liền hất hàm thách thức nó:

- Này, cậu cứ vẽ ở đây không phải là cách đâu .

- Vậy làm gì ?

- Biết viết chử không ?

- Không .

- Vậy cậu tên gì ?

- Minh .

- Viết tên Minh xem ?

- Không biết viết .

- Thế thì cậu phải bắt đầu tập viết từ cái tên .

Cậu ta nỗi cáu:

- Tôi đói lắm rồi, không rảnh viết tên đâu .

Tôi cũng định bụng bắt đầu giữ im lặng và không thèm nói chuyện với cậu ta nữa . Nằm không một lúc chán, cậu ta quay qua tôi:

- Thế, tôi phải viết chử Minh như thế nào ?

- Thì cậu cứ cầm tôi lên và thử đi .

Cậu ta cố nhíu mày moi trong trí nhớ ra chử Minh mà đã có lần có ai đó đã dậy cậu . Cả buổi tối cậu lẩm nhẩm:

- Em mờ viết thế nào nhỉ ?

Sáng hôm sau người ta lại thấy những chử viết nghệch ngoạc rơi rớt đầy trên nền xi măng và trên bức tường trắng .

Từng đêm như thế trôi qua dưới bầu trời đầy sao . Tôi nằm thủ thỉ với cậu về cái gì gọi là mơ ước . Tôi kể cho cậu nghe về những thế giới kì lạ trong cả kho tàng ngôn ngữ mà cậu không cần phải đi đâu xa để khám phá . Chúng nằm trong những cuốn sách trên những kệ gỗ ở cửa hàng sách mà ngày ngày cậu đi ngang qua . Tôi kể cậu nghe về những cuốn phim hoạt hình sống động được chiếu trên những chiếc màn hình TV rộng lớn trong cửa tiệm mà ngày ngày cậu vẫn đứng ngẩn người ra xem ké . Tất cả những câu chuyện, những hình ảnh ấy bắt đầu từ những giấc mơ . Một giấc mơ đẹp chính là bức thông điệp gởi gấm đến con người lòng đam mê, sự can đảm, và ý chí phấn đấu để vươn lên .

Khi đêm đã về khuya, cậu quay qua hỏi tôi:

- Thế thì tôi phải làm gì để nắm bắt những giấc mơ đẹp ấy ?

- Câu hỏi tuyệt vời . Tất cả mọi giấc mơ được bắt đầu diễn đạt từ những ngòi bút . Cậu đã có giấc mơ trong tay rồi, bây giờ vấn đề chính là cậu phải biết cách sử dụng tôi để biến giấc mơ đó thành sự thật đấy cậu bé ạ .

Dưới bóng tối mờ ảo của đêm đen, cậu bé chợt vùng ngồi dậy và dùng tôi vẽ lên bức tường những ngôi sao đang lấp lánh như một sự quyết tâm .

Hôm sau nó dậy thật sớm và không đi đánh giầy nữa . Nó đi lượm chử . Nó đến nhà ông thầy giáo và lấy hết can đảm bước thẳng vào nhà . Nó nói cho ông biết sự thật nó là đứa bé mồ côi và nó muốn được học viết chử . Ông ngỡ ngàng nhìn nó một hồi rồi hỏi nó:

- Con muốn học chử gì ?

Nói trả lời:

- Con muốn bắt đầu bằng chử Minh .

Ông giáo cho nó một cuốn tập cũ kĩ và mỗi ngày nó hỏi ông một vài chử rồi sau đó tôi và nó cùng nhau ngồi nắn nót tập viết trước cửa tiệm sách lớn nhất thành phố . Tập viết xong nó rủ tôi vào bên trong xem hình trên những cuốn tạp chí và tập đọc những chử cái đã bắt đầu quen thuộc .

Tôi chỉ cho nó rất nhiều điều tôi đã biết bắt đầu bằng những câu hỏi:

- Tại sao ? và làm thế nào ?

Thời gian trôi qua, cậu bé giờ đây đã trưởng thành và đã là một kiến trúc sư giàu kinh nghiệm với những dự án sáng tác vĩ đại cho những toà thị sảnh ở ngay trung tâm thành phố lớn . Trong hộp dụng cụ đồ nghề của cậu chứa vô số những cây viết đắt tiền với những đường nét đầy sáng tạo sơ khởi mà những hợp đoàn hoặc cá nhân đối tác đã gởi tặng . Cậu cứ tiến xa và tiến cao hơn mãi với muôn ngàn mơ ước, mơ ước do chính cậu tạo ra và nắm bắt mơ ước của người khác, rồi chuyển đạt chúng thành sự thật qua những nét vẽ kì diệu .

Một buổi chiều đầu mùa hạ . Tôi lại nằm trong túi áo của người kiến trúc sư già tóc đã bạc mầu hoa râm . Ông đi đến dự lễ ra trường của đứa con trai sắp tốt nghiệp tiến sĩ luật . Ông đặt tôi vào trong tay nó và nói:

- Cây bút này vô cùng cũ kĩ, nhưng nó là vật quí nhất trong đời cha .

Rồi ông đứng lui về phía sau, khoanh tay, ngắm đứa con trai và mỉm cười . Cuối cùng, tôi cũng đã làm tròn bổn phận và sứ mạng, đó là nhắn gởi bức thông điệp và niềm tự hào của người cha đến với người con .

(July 4, 2008)
Pensee

Nắng đỏ

Hôm nay bầu trời âm u. Nắng hầm hầm mầu đỏ úa tan loảng trên sân. Phải, cái nắng, cái gió, cái hầm hầm oi bức này gợi cho tôi nhớ về bà ngoại. Ngày tôi còn bé, tôi quấn quýt bên bà không lúc nào ngơi . Những ngày trời như thế này bà thường đưa tay vuốt vuốt cái khăn xoa quấn mái tóc cắt ngắn trên đầu rồi thở dài, "Giời thế này y cái tết mậu Thân."

Những ngày như vậy bà thường lấy trầu ra nhai. Tôi rất thích ngồi bên cạnh những lúc bà chuẩn bị nhai trầu. Tôi sẽ có dịp nghịch ngợm với cái hủ vôi hồng và những trái cau non bà bổ làm bốn. Rồi bà sẽ nhờ tôi tước hộ cái vỏ màu xanh. Bà têm tí vôi, quấn quanh lá trầu rồi bỏ vào miệng. Miếng trầu bà nhai được một lúc thì nó đổi ra màu đỏ ua úa như màu gạch trộn với màu rượu vang đỏ. Khi ấy tôi thường thấy khóe mắt bà ngân ngấn nước. Bà đưa tay quẹt quẹt đôi mắt và nhổ miếng trầu cái tuẹt vào cái gốc nho bên trái vườn sát chổ bà ngồi, rồi bà lại têm cái trầu khác. Bà tôi hay có những khoảng khắc buồn vui ưu tư như thế trong những ngày thời tiết đổi thay.

Bình thường bà là một người mau mắn, tháo vát và rất chăm chỉ làm lụng . Bà hay dùng con dao con rọc mỏng những ống tre lấy dây lạt, rồi bà sẽ đan thành những chiếc rá con con dùng để ươm cây hoặc để dùng vào bất cứ công việc gì nhà nông có thể dùng tới. Những trưa hè thường chỉ có ba bà cháu tôi ở nhà. Bà thường bảo tôi lấy truyện ra đọc cho bà nghe. Bà là người đơn thuần. Tâm hồn bà chân chất như đám mạ xanh, như đám lúa vàng ngoài nương ngoài ruộng. Bà chẳng có những kho tàng cổ tích như những người bà khác. Thỉnh thoảng bà ngắt quãng tôi ở những đoạn tôi đọc không rõ, hoặc bà hiểu không rõ:

- Thế, có con Vân nhà chị Kím trong ấy nữa à?

Tôi lăn ra cười rũ rượi:

- Bà ơi, cái chử đó là "vân vân... và vân vân" ... có nghĩa là còn nhiều nữa, chứ không phải là con Vân.

Bà gật gù:

- À...

Một bà, một cháu. Một già một trẻ. Một chưa học qua một trường lớp nào. Một chỉ học đến lớp ba lớp tư . Thế mà họ ngồi bên nhau trưa này qua trưa khác không biết bao nhiêu buổi trưa hè. Lúc bà buồn, bà vui, bà thủ thỉ. Khi cháu hư, cháu bướng bỉnh, cháu giận bà. Có ngày bà cháu giận nhau không nói chuyện. Thế rồi lại làm lành. Bà dỗ cháu, cháu dỗ bà, cứ như đôi trẻ con vừa mới lớn.

Thế mà bà thương tôi lắm. Những lúc tôi lì lợm bị bố phạt quì góc tường, bà len lén lại nịnh bố, và nói bâng quơ đủ cho cả hai cùng nghe:

- Bố tha cho rồi đấy, hứa với bố lần sau thì chừa rỗi.

Mặc dù tôi không đủ can đảm để nói rằng tôi "chừa" bà vẫn trả lời hộ tôi:

- Rồi, con nó hứa chừa rồi. Bố tha cho nó nhá!

Thế rồi tôi len lén đứng dậy lẻo đẻo lủi sau lưng bà. Mẹ tôi mà thấy thế thì chỉ lãi nhãi nói với theo:

- Cháu mà hư là tại bà đấy.

Bà xa quê hương Phát Diệm có cái chợ Bùi Chu của bà đã ngót nghét mấy chục năm. Ấy mà bà nhớ như in từng chi tiết. Đình làng. Bờ ao. Bà nhớ cả họ tên từng cố nhân, từng người trong gia phả họ tộc. Nhớ quê hương, bà thèm ăn bánh đúc. Mỗi lần hàng xóm có ai đi chợ nhân thể ghé mua hộ bà gói bánh đúc và gói mắm tôm màu đỏ tím. Vắt thêm tí chanh, tí đường. Ăn mãi rồi tôi bị nghiện món bánh đúc . Ngày nào tôi cũng hỏi "bà ơi, hôm nay có ai đi chợ mua bánh đúc không hở bà?"

Bà là cả tuổi thơ của tôi. Tuổi thơ nhẹ nhàng và không có nhiều để kể về bà. Thế nhưng bà chiếm ngập cả tâm hồn tôi. Trong tim tôi và cả trong giấc mơ của tôi lúc nào cũng dấy lên hình ảnh bà. Cả những kĩ niệm của bà cũng làm tim tôi nhói lên những mủi kim . Như là bầu trời với cái mầu nắng đỏ hôm nay. Bổng dưng mà mắt tôi lại ngân ngấn nước.

Pensee

Cali - Quê người, quê tôi.

Tối hôm qua 2 vợ chồng đi ăn bò 7 món. Ăn xong 2 đứa ghé vào quán chè mua 2 đứa 2 ly chè sương sa hạt lựu và chè thập cẩm ngồi ăn ngắm ông đi qua bà đi lại. Quán chè đông khách, hết người này đến người kia cười nói huyên thuyên làm không khí lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt. Xong quán chè chúng tôi đi qua tiệm sách Borders ngồi đọc sách uống cà phê. Bàn bên cạnh có một nhóm mấy cô chú lớn tuổi ngồi truyện trò 1 cách rôm rả. Tự dưng tôi cảm thấy một điều gì đó hết sức gần gủi với họ. Tôi cười theo những câu chuyện tếu ông chú nào kể bên bàn bên đó . Trên đường về, tôi nói với T, "Nếu mình chuyển đi nơi khác không có người Việt, chắc buồn lắm nhỉ?" Ống trả lời không cần do dự, "Yup".

Ngày tôi chuẩn bị hành lý, gồm 2 cái suitcases đựng mấy bộ quần áo và vài cuốn sách để lên đường từ đông sang tây, chị tôi đã năn nĩ tôi ở lại, "ở bên đó không có ai, lỡ có chuyện gì." Nhìn chị buồn, tôi cũng buồn. Nhưng tôi phải đi. Cái chân tôi là chân đi. Tôi hứa với chị chỉ đi một năm thôi rồi, "Năm sau em về."

Tôi đến Cali với chiếc vé máy bay có khứ hồi giá chưa tới hai trăm đồng. Thành phố hôm ấy đang vào mùa xuân. Lá hoa cây cỏ còn xanh mướt. Những sườn đồi trãi đầy hoa cỏ vàng. Hàng quán đầu tiên tôi ghé ăn là quán bún bò huế trên đường Senter. Nó vừa bẩn vừa nhỏ hẹp như 1 hàng quán nhỏ ở Việt Nam. Tôi làm một lúc 15 chén bánh bèo và thêm một tô mì quảng. Chẳng biết có phải vì đói hay vì món ăn hợp khẩu vị. Có lẻ cả hai.

Ban đầu tôi ở tạm nhà người quen. Sau tôi mướn phòng ở một gia đình cô chú nọ. Họ ngăn gian nhà ra làm hai dãy. Dãy đàng sau gồm 2 phòng thông ra sân sau dùng để cho mướn. Gian phòng này có lối đi riêng bằng cổng sau. Cô chú này rất tốt bụng. Ban ngày tôi đi làm, họ vào dọn dẹp nhà tắm bồn rửa và phòng bếp luôn cho tôi cứ y như truyện cổ tích cô tiên trong tranh. Hễ tôi cần gì hỏi tin tức từ họ là họ giúp tìm luôn cho tôi. Sống ở đây, tôi có cảm giác như tôi đang ở nhà của cha mẹ tôi, ngoại trừ họ không canh chừng lúc nào tôi đi sớm về khuya. Mỗi tháng trả tiền nhà, họ muốn nhận tiền mặt thay vì nhận check. Tôi có thói quen đưa gởi cái gì cũng bỏ vào phong bì cho nó đúng phép tắc. Mỗi lần nhận, cô cứ cười xã lã, "trời, sao con bày vẽ chi cho tốn phong bì. Cứ đưa không cho cô được rồi." Cô nói thì nói vậy, nhưng thư từ của tôi gởi về hộp thư nhà cô, cô cũng gom lại và bỏ vào một phong bì lớn, đặt ngay ngắn trên góc cửa sổ phòng tôi. Thỉnh thoảng cuối tuần cô làm món gì đó. Thấy tôi cả ngày im ắng trong phòng, cô gõ cửa mời tôi ăn thử.

Cái thời gian đấy tôi rất buồn và cô đơn vì chưa có nhiều bạn bè. Người quen trong nhà thờ thì tôi chơi không hợp lắm, thành thử tôi cũng hạn chế liên lạc. Cuối tuần tôi thường nằm ở nhà mở cửa sổ nghe hàng xóm mở nhạc inh ỏi và tán dóc (hoặc đôi khi, chửi lộn) với nhau. Chán thì leo lên Internet viết nhăng viết cuội và đọc tin tức. Thời ấy cũng có nhiều forums, nhưng không hiểu sao tôi cũng chẳng bao giờ liên hệ với cá nhân nào trên thế giới Internet cả. Rảnh rỗi thì đọc hoặc mua cái này cái kia cho đến lúc chán thì tắt máy nằm ngó trần nhà suy nghĩ sự đời. Mà cái hay ở cái xóm tôi đang ở này là nhìn ngoài vào thì nó rất "ghetto" có nghĩa là xóm nghèo nàn và mất an ninh. Thế nhưng khi ở quen rồi thì nó y như cái xóm ở bên VN vậy. Thành phần cư dân ở đây đa số là Việt Nam và Mễ. Một căn hộ có thể có 7-8 chiếc xe đậu chen lẩn trước nhà. Điều này cho biết là căn hộ này chứa trên 5-7 người, có khi cả chục người không chừng.

Mấy căn nhà đối diện nhà tôi ở cứ vào buổi chiều chập choạng hoặc hai ngày cuối tuần là họ đồng loạt mở cửa garage. Trẻ nít đạp xe đạp và nô đùa chung quanh xóm. Đàn ông thanh niên 5-7 người chụm lại uống bia lai rai. Mấy anh Mễ bán sinh tố đi qua đi lại bấm chuông leng keng. Lúc đầu mới dọn về xóm này, tôi thấy sợ và khó chịu vô cùng. Nhất là mỗi lần tôi đậu xe và đi ra đi vô trước cổng. Mấy ông đàn ông thanh niên mấy nhà bên rất nham nhở. Họ luôn luôn gọi với theo đàn bà con gái, "Em ơi... em... đi đâu đó? Qua đây chơi với anh... " blah... Ở bên FL từ lúc lớn tới giờ tôi thật sự không quen với cái lối xàm sỡ vô duyên như vậy. Nhưng dần dần rồi họ mỏi miệng không gọi thường xuyên, và tôi cũng quen dần . Tôi nghiệm ra rằng sự nham nhở của họ cũng vô thưởng vô phạt, cũng chẳng hại gì mình. Ngược lại ngày nào tôi đi đâu về khuya mà thấy khu xóm yên lặng không có mấy ông này ngồi tán dóc thì tôi thấy cũng sợ. Sợ cướp sợ Mỹ đen, sợ đủ thứ... Nhưng quả thật, cái xóm xô bồ này vô cùng bình yên.

Sau hai năm thì tôi dọn vô ở chung với bác Hai. Bác Hai chẳng có bà con gì với tôi cả, nhưng tha hương ngộ cố tri, tôi quen bác rất tình cờ và 2 mẹ con bác muốn tôi dọn vô ở chung cho vui. Bác cũng coi tôi như con. Tôi thích ăn món gì, bác nấu món đó. Tôi thích ăn canh khổ qua, bò kho, hủ tiếu. Bác thường xuyên nấu những món đó cho tôi ăn. Có khi 1 tuần nấu 1 món 2 lần. Đến nỗi có ngày con ruột bác nó nổi cáu, "Tui nghĩ kiếp trước chắc má với nó là 2 má con quá!" Bác cười, "chắc vậy rồi" Có lẽ tại tánh tôi tào lao và không câu nệ. Có người thích có người không thích. Mà cũng kì, có người thương thì chìu luôn cả sở thích của tôi. Ngày ngày bác như người mẹ hiền, dọn phòng tắm, rồi xếp luôn quần áo mới giặt cho tôi.

Bác Hai thích coi phim bộ nhiều tập. Bác thường hay thắp nhang và cúng. Bác hay rãi gạo ra trước sân. Bác nói, "Để cho mấy vong hồn nó có đồ ăn." Thương người sống đã đành. Vong hồn mồ côi cũng thương luôn. Ôi, người phụ nữ miền Trung.

Mỗi lần có bộ phim nào hay, bác đợi tôi về, dọn thức ăn ra cho tôi ăn, đợi tôi ăn xong, bác mới mở phim ra coi chung. Bác vừa coi vừa hồ hởi kể đoạn này đoạn kia. Có nhân vật bác ghét bác chửi nó y như là chửi kẻ thù đang hại gia đình của bác vậy. Đoạn phim buồn thì bác khóc sụt sịt ước cả khăn giấy. Ngày nào hết phim coi thì bác mở cải lương. Cái tuồng gì có Kim Tử Long là bác mê nhất, coi đi coi lại. Tôi chẳng biết gì về cải lương, nhưng bác kể tên hết kép này đến kép kia tôi cũng gật gù ngồi nghe. Có vậy thôi mà có ngày 2 bác cháu ngồi tào lao cũng tới 1 giờ sáng.

Cuối tuần tôi hay chở bác đi khu Grand Century, hoặc Lion Plaza cho bác đi dạo hàng quán. Mua cái này, mua cái kia. Có ngày còn ghé qua Bình Minh mua lẩu dê về 2 bác cháu nhậu. Những ngày con bác nó rủ tôi đi chơi, thì bác buồn lắm. Người lớn tuổi thường rất cô đơn. Tôi là người thích sống cô đơn, nên tôi hiểu được sự cô đơn. Đối với người trẻ, cô đơn là sự lựa chọn. Nhưng đối với người già, cô đơn là một sự mất mát.

Mỗi lần tôi rủ con bác đi chơi chung với chúng tôi, nó từ chối. Tôi hỏi tại sao? Nó trả lời, "My mom làm me mắc cở lắm. Đi đến chổ đông người she acts so uncivilized. Ví dụ như she hay chen lấn, rồi la lối chổ đông người. Đến nhà hàng ăn she hay bốc tay rồi rớt đồ xã rác tùm lum. Bởi vậy me không dám đi chung với her." Tôi không biết nói sao. Bởi vì khi đi với bác Hai tôi không cảm nhận được những điều đó. Tôi chỉ thích vì bác là 1 người rất vui tính và rất tốt bụng . Đôi khi tôi ước đó là mẹ tôi. Nhìn thấy bà ngày ngày gói ghém từng miếng ăn cho con, mà tôi cảm nhận hết tình người mẹ. Tôi còn nhớ có bửa 2 bác cháu ghé vô tiệm mua bánh mì. Khách hàng trong tiệm lu bu mất trật tự, chẳng có hàng lối gì cả. Ai bon chen nhào vô trước thì mua trước. Bác Hai cũng nhào vô chen lấn chỉ để mua cho tôi 1 ổ bánh mì và 1 ly nước mía. Tôi hỏi sao bác không ăn? Bác nói bác già rồi sức đâu mà nhai bánh mì ba gét. Không có sức để nhai bánh mì ba gét vậy mà có sức để chen lấn mua cho tôi ổ bánh mì.

Từ bác Hai, tôi có cái nhìn độ lượng hơn với cuộc sống. Tôi biết nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh. Tôi biết tôi vẫn còn nhiều tuổi đời để học hỏi. Còn rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống tôi thật sự chưa biết và chưa cảm thông. Nhưng tôi biết một điều. Đó là tôi yêu Cali vô cùng, và chắc tôi sẽ không trở về FL nữa.

Những thành phố vùng Bay có rất đông người Việt. Nhưng tôi chỉ quen biết vài người, và cũng chẳng mấy ai biết tôi. Vì thế, tuy nó nhìn ồn ào và xô bồ, nhưng nó lại vô cùng yên tỉnh. Những khi đi tiểu bang khác, tôi không thích cái cảm giác người ở đó nhìn mình như là dân thiểu số. Mọi nhất cử nhất động của mình đều bị theo dõi coi mình hành động có khác họ không? Mình ăn mắm ăn nêm gì cũng phải ngó quanh xem hàng xóm có nhăn mặt hay không. Ở Cali vùng Bay, tôi hoàn toàn không phải lo lắng chuyện đó. T lớn lên ở tiểu bang này. Ông ấy có 1 nhóm bạn thân chơi chung từ lớp mẫu giáo. Cái đặc biệt là cả nhóm toàn Á Đông, và thằng nào cũng khoái ăn mắm và hiểu những từ lóng mà cha mẹ hay la mắng họ. Đi bất cứ nơi đâu, tiệm sách, nhà hàng, hoặc sở làm tôi cũng luôn luôn cảm giác như đang ở quê hương của mình. Có lẻ, tôi chọn Cali là quê hương cuối cùng, và chị tôi cũng chẳng hề hỏi tôi "khi nào về?" nữa.

Pensee

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008

Người hành khách chuyến tàu 7 giờ sáng

Năm đó tôi vừa dọn về thành phố Sunnyvale, thành phố của ngành kĩ nghệ thông tin, và đặc biệt cũng là nhà của mạng Yahoo! mà đa số chúng ta bấm vào mỗi ngày ít nhất 1 lần . Tuy ở Sunnyvale, nhưng tôi lại phải di chuyễn gần 1 tiếng đồng hồ để đến nơi làm việc ở San Francisco. Công việc của tôi là lập trình cho một bộ phận thuộc chi nhánh của Lycos nằm hơi gần trung tâm Metreon. Vì nhà cửa ở SF mắc mỏ và vì để tìm những khoảng trống yên tịnh, nên tôi quyết định tạm cư ở Sunnyvale, và mỗi ngày theo chuyến tàu sớm để vào thành phố.

Vì đã quen với nếp sống cũ ở miền Đông, thế nên mỗi sáng tôi đều có mặt ở trạm caltrain nằm trên đường Evelyn vào trước 7 giờ sáng, đó là giờ chuyến tàu 210 sẽ chạy ngang qua. Từ Sunnyvale đến SF, tàu sẽ dừng chân ở 8 trạm, mỗi trạm khoảng 3-5 phút, để đón hành khách trước khi dừng chân ở trạm cuối cùng ở đường số 3, là trạm của tôi. Sau đó tôi sẽ đi bộ băng qua thêm một ngã tư . Tổng cộng cuộc hành trình kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ .

Tôi thường chọn ngồi ở những khoang tàu nằm cuối. Vào giờ ấy thì những khoang tàu còn rất vắng. Hành khách chỉ vài ba người. Có người ngồi uống cà phê đọc báo. Có người ngồi gật gù dỗ tiếp giấc ngủ còn đang dỡ dang. Cũng như sắc thái của những thành phố mà đoàn tàu đi qua mỗi ngày, hành khách của nó cũng thuộc đủ mọi thành phần, hoàn cảnh và sắc tộc. Có người tôi gặp thường xuyên mỗi ngày. Có người tôi chỉ gặp một lần rồi không bao giờ gặp lại nữa. Có ông Mỹ trắng nhìn oai phong bệ vệ trong bộ áo và nơ cài cổ và chiếc cặp da đắt tiền. Có ông mỹ da màu râu ria quần áo xộc xệch, cả chiếc mũ đội đầu cũng rách bươm. Có những anh Mễ đi với nhau từng tốp 2, 3 người. Có lẽ họ cũng đến một điểm nào đó để ngồi đấy đợi xem có ai đến thuê làm những việc cực nhọc tay chân như số đông di dân Mễ tôi thường thấy ở những góc đường.

Một hôm, xuất hiện 1 người hành khách Á đông tuổi trạc 25-26, mặc áo chiếc áo gió màu xanh lá cây rộng thùng thình và trên đầu đội chiếc mũ nĩ có hai vành tai phủ xuống mớ tóc bù xù dài đến vai. Sau khi mọi người ổn định chổ ngồi, anh ta bước đến ngồi xuống dãy ghế cạnh tôi. Câu đầu tiên anh ta hỏi tôi là:

- Vietnamese?

Rồi anh ta chỉ cái pin đeo trên chiếc túi đeo vai bằng vải dù của tôi. Cái pin bằng kim loại màu vàng có cái logo mang hai chữ "Việt Nam" viết theo kiểu chử italic. Tôi cười và gật đầu. Anh ta hỏi tiếp:

- Giỏ này chị mua ở Việt Nam à, xinh nhề.

Tôi lắc đầu:

- Giỏ này không phải ở VN. Cái pin này tôi mua ở Santa Cruz.

Thấy anh ta có vẽ quyến luyến cái pin, tôi cho anh ta biết chổ tôi đã mua, rồi sau đó nhanh chóng kết thúc cuộc đối thoại để trở lại tờ báo tôi đang đọc dỡ. Có lẽ một phần vì cá tính khép kín, một phần do ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, tôi ít khi thích trò chuyện với những người lạ mặt. Có những người tôi gặp hàng ngày, ngồi cùng 1 toa tàu, và cùng chung một hàng ghế, nhưng chúng tôi vẫn mạnh ai chú tâm vào chuyện người đó. Ở xã hội này tuy là đời sống bận rộn theo guồng máy văn hóa quảng cáo và thương mại và nó đòi hỏi sự giao tiếp cao, nhưng con người đến với nhau chỉ trong một mức giới hạn và ở một phạm vi nhất định.  Bạn sẽ khó có khi nào bắt gặp 2 ông ngồi bàn chuyện quốc sự hoặc là 2 bà ngồi than thở chuyện chồng con gia cảnh trên toa tàu.  Mọi người lẳng lặng trong thế giới của riêng họ cũng là một cách để tôn trọng thế giới riêng tư của người khác.

Nhưng khoảng yên lặng đó không giữ được bao lâu. Anh chàng ngáp dài vài cái rồi quay qua ngó vào tờ báo tôi đang đọc và hỏi:

- Ngày nào chị cũng đu tàu này à?

Tôi bật cười với câu hỏi của anh ta. Chữ "đu" tàu tôi chưa nghe bao giờ. Tôi gật đầu. Anh ta hỏi tiếp:

- Chị sang đây lâu chưa?

Xem bộ anh ta rất thích được nói chuyện và không thể ngồi yên một chổ. Và cũng xem bộ anh làm cho tôi để ý đến cách anh dùng từ ngữ của anh hơn. Tôi trả lời và hỏi lại:

- Chưa lâu lắm, vài ba năm thôi. Còn anh?

Anh ta bắt đầu được dịp nói:

- Mình qua được 2 năm. Trước giờ làm ở dưới này. Hôm nọ có người quen giới thiệu ở cái nhà hàng xyz ở San Mateo. Hôm nay là ngày đầu tiên.

Rồi anh cứ tiếp tục nói thao thao nhiều điều nữa. Có lẽ anh thuộc loại người rất thích bày tỏ và rất thích giao tiếp. Tôi ừ hử rồi lại dán mắt vào tờ báo.  Nếu là một người bình thường khác thì họ sẽ không nói chuyện với tôi nữa vì cảm thấy bị xúc phạm bởi cữ chỉ mất lịch sự của tôi. Nhưng anh ta ngưng một chút, rồi dán mắt vào tờ báo và hỏi tôi:

- Chị đang đọc gì đấy?

- Đọc báo đại loại vậy thôi.

- Chị hay nhỉ!

Tôi súyt bật cười với lời nhận xét của anh. Bình thường có lẽ tôi sẽ nghĩ anh đang mĩa mai tôi. Nhưng khuôn mặt anh trông ngơ ngơ. Có lẽ anh nghĩ tôi hay thật sự. Tôi quyết định quay qua tiếp chuyện anh như 1 sự tỏ lòng cảm ơn.

- Hay cái gì?

- Thì chị đọc tiếng Mỹ đấy.

À. Tôi định chọc anh là tôi chỉ coi hình thôi chứ tôi đâu có đọc. Nhưng bây giờ tôi mới bắt đầu thấy ở anh có những điều gì đó rất chân thật từ cách nói chuyện hơi cộc cộc . Điều thứ nhất là anh chắc chắn lớn hơn hoặc bằng tuổi tôi. Vã lại nhìn mặt tôi cũng non choẹt, thế mà anh gọi tôi bằng "chị" đó là một phép lịch sự mà tôi ít khi gặp. Điều thứ hai là anh nói giọng bắc rất đặc. Cái giọng bắc y như của họ hàng bên phía mẹ tôi di cư vào nam sau này. Điều tôi thắc mắc là anh đến Mỹ theo trường hợp nào?  Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua đầu và tôi cũng chẳng hỏi anh.  Tôi không thích hỏi người khác bất cứ câu hỏi nào thuộc phạm vi đời tư của họ, vì tôi không muốn phải trả lời họ về đời tư của tôi.  Điểm đặc biệt ở anh là cũng cùng những câu hỏi và cách nói chuyện tới tấp ấy, nhưng sự quấy rầy của anh rất vô tư khiến dần dà tôi không còn cảm giác bị quấy rầy nữa . Lâu lâu anh hỏi tôi một câu, tôi trả lời và hỏi lại, và thế là anh nói tràng giang đại hải.

Anh nói về đời sống của anh.  Anh đang ở thuê phòng với 2 vợ chồng đã lớn tuổi. Mỗi tháng anh trả tiền nhà 3 trăm USD.  Thỉnh thoảng họ nấu nướng vài món gì đó và cho anh ăn chung. Còn đa số anh ăn ở nhà hàng nơi anh làm phụ bếp. Hai năm ở Mỹ, anh đã làm qua rất nhiều nhà hàng và chợ thực phẩm Á Đông.

- Làm ở quầy thịt nguy hiểm lắm chị ạ. Cưa thịt mà không khéo mất tay như chơi ấy. Cái vết này cũng là chiến tích đây.

Vừa nói anh vừa giơ vết sẹo ở bắp tay cho tôi coi.  Tôi rùng mình và nghĩ đến những chiếc máy cưa hoặc những con dao phay mà tôi nhìn thấy ở những gian hàng thịt.

- Vậy làm nhà hàng có khoẻ hơn không?

- Cũng không hẳn là khỏe hơn. Nhưng nghề nào có cái khốn của nghề đấy, phải cực thì mới có tiền.

Rồi câu chuyện của anh kéo dài ngày này qua ngày khác. Ngày nào tôi không đi làm thì hôm sau anh kể chuyện tới tấp có lẽ để bù cho những ngày anh không được dịp nói. Anh nói đủ thứ chuyện trên đời và chẳng chuyện nào giống chuyện nào. Đôi khi chỉ là chuyện kinh tế và thời tiết. Đôi khi có những người thanh niên cỡ tuổi anh ăn mặc lịch sự đang bấm điện thoại hoặc đang dán mắt trên chiếc vi tính xách tay, anh nhìn họ với vẽ ngưỡng mộ. Đôi khi toa tàu băng ngang qua những bãi rác chứa những xác xe máy cũ hoặc vật dụng để recycled, anh chép miệng:

- Xác xe nhiều quá nhề.

Câu nói đó được lập đi lập lại như thể "bao giờ đến lượt tôi liệng một cái xác xe cũ vào trong ấy nhề!"

Một hôm anh lấy trong túi ra một cái bánh giò gói lá. Lấy con dao ra xẽ đôi, anh đưa tôi một nữa.

- Này, ăn đi. Ngon lắm.

Lời mời của anh như một mệnh lệnh chắc nịch. Tôi hơi bỡ ngỡ vì sự hiếu khách của anh. Cảm giác cũng giống như ngày xưa khi tôi mới nhập học ở Mỹ, tôi đã rất bỡ ngỡ vì sự hiện diện rõ rệt của "chủ nghĩa cá nhân" trong cách giao tế của nền văn hóa này, ví dụ như khi ngồi chung với một đám bạn học cùng lớp, mạnh đứa nào đứa nấy lôi ra thức ăn vặt của mình và ăn vô tư không cần phải mời người khác.  Rồi tôi cũng trưởng thành và cảm thấy rất thoải mái được sống trong nền văn hóa ấy, nền văn hóa không quan trọng chuyện chia xẽ, vì đôi khi sự mời mọc cũng có khả năng làm phiền người khác. Huống gì hai người chúng tôi chỉ là bạn đồng hành gặp nhau trên tàu và không mấy thân nhau. Trong cuộc sống mấy ai tin tưởng nhau để tiếp nhận ở nơi nhau một sự tử tế nào đó nhỉ? Nhưng dường như anh không màng về điều đó. Có lẽ anh chưa quen với nền văn hóa này, hoặc có lẽ anh vẫn giữ một đức tính mà từ lâu tôi đã quên mất, đó là đức tính hiếu khách của một loại người dân quê ở VN mà tôi cũng đã từng xuất phát từ nơi ấy.

Có những ngày mưa lâm râm. Mưa lấp phất bay trên những đường rầy. Mưa phủ những cột điện, những hàng cây, con phố. Mưa tạt trên cửa kính những hình ảnh nhạt nhòa. Anh khoanh tay trở nên trầm tư:

- Hôm nay chắc nhà hàng vắng khách hơn đấy.

Rồi anh quay qua tôi và quảng cáo:

- Hôm nào rảnh chị ghé qua ăn. Nhà hàng có món bê nướng vĩ ngon lắm đấy . Cuối tuần chị đến thì hơi đông khách.

- Vậy anh làm nguyên tuần hả?

- Hầu như là vậy. Với lại ở nhà cũng chẳng làm gì.

- Sao anh không đi học đi?

Tôi tưởng câu gợi ý bất thình lình này sẽ nhận được cái lắc đầu, hoặc tiếng thở dài, kế theo sau là 1 loạt những lý do khó khăn anh ta sẽ đưa ra. Nhưng không.  Anh trả lời một cách tự nhiên:

- Chị nói có lý.

Rồi anh ghé mắt nhìn vào máy tính với những dòng syntaxes của tôi và hỏi:

- Mình muốn đi học nhưng không biết bắt đầu từ đâu?

- Anh có bằng tốt nghiệp trung học không?

- Không.

- Vay thì anh phải thi đậu bằng GED, cái này thay thế cho bằng trung học.

Anh mượn tôi cây viết và ghi xuống cặn kẽ những điều cần phải làm. Tôi chỉ anh đến thư viện thành phố để mượn tài liệu.   Rồi anh nhờ tôi mua dùm anh cuốn tự điển Anh-Việt.  Tôi không biết chổ mua, nên cho anh mượn tạm cuốn tự điển màu vàng khổ nhỏ của soạn giả Nguyễn văn khôn. Đây là cuốn tự điển của bố tôi nhờ người quen gởi cho tôi bao nhiêu năm rồi . Cuốn này có lẻ ra đời từ mấy chục năm trước mà rất nhiều từ vựng không được cập nhật hóa . Thấy anh sốt sắng thì tôi chỉ giúp vậy thôi, chứ trong lòng tôi không hoàn toàn tin là anh sẽ chú tâm vào chuyện học.  Từ trường học bước ra trường đời chỉ là 1 bước nhỏ, như từ trường đời trở vào trường học quả là núi đồi gập ghềnh không mấy ai có được sự quyết tâm và bền chí đó .

Ngày qua ngày, chúng tôi vẫn chia chung 1 đoạn đường dài 30 phút từ Sunnyvale đến san Mateo.  Sự quấy rầy ban đầu của anh bổng chốc trở thành thói quen.  Cảm giác nó giống như có người mẹ hay càm ràm bên cạnh, nhưng khi vắng bà thì khoảng không gian bổng trở nên trống vắng.

Một hôm, anh không xuất hiện nữa.  Một ngày, hai ngày ... rồi một tháng, hai tháng, rồi nữa năm.   Dần dà tôi cũng quên mất hẳn anh.   Có một lần cuối tuần ghé qua San Mateo chơi, tôi tò mò tìm đến nhà hàng nơi anh làm việc để ăn thử món bê nướng vĩ xem có ngon như lời anh quảng cáo không, đồng thời xem anh đã ra thế nào.  Lúc tôi đến địa chỉ ở trên góc đường ấy, tòa nhà đã bị niêm phong với những bức tường ố những vết cháy đen và những khung cửa kính bị bễ .  Nơi đây như vừa xảy ra 1 trận hỏa hoạn đã làm hủy hại nguyên toà nhà 2 tầng.   Tôi chợt hiểu nguyên nhân tại sao anh không còn đón tàu nữa .

Khoảng chừng 1 tháng sau, bất ngờ anh lại xuất hiện trên tàu. Lần này trông anh bụi như 1 cậu học trò với 1 chiếc cặp trên vai và vài cuốn sách trên tay.  Cũng cái mũ có hai cái tai chụp và cái áo gió rộng thùng thình. Anh nói anh trở lại để báo cho tôi biết rằng, anh đã thi đậu GED và đang bắt đầu vào chương trình đại học.  Anh gởi lại tôi cuốn tự điển cũ màu vàng.  Anh cũng móc trong túi ra 1 chiếc máy tính nhỏ hình chử nhật rồi lắc lắc và khoe:

- Mình mới tậu được cái này oách lắm.

Rồi anh bấm một từ Anh Ngữ vào và nhấn nút.   Lập tức có tiếng phụ nữ phát ra phiên âm đúng chử ấy kèm theo nghĩa tiếng Việt.   Đó là cuốn tự điển điện tử.

- Mình học bằng cái này nhanh lắm chị ạ .

Cặp mắt anh sáng lên chăm chú vào máy như 1 đứa trẻ đang háo hức chơi game.  Tôi thầm cảm phục ý chí của anh.   Chỉ trong vòng mấy tháng, anh đã như một người khác.

- Vậy anh tính học về ngành gì?

- Mình chưa xác định.   Nhưng mình cũng thích học về ngành kĩ nghệ như đa số bây giờ. Tạm thời quan trọng nhất là học xong phần Anh ngữ, những lớp đọc, viết, rồi sau đó đến lớp toán, sinh, hóa để xong phần general requirements.   Rồi sau đó vào ngành.   Mình muốn học nhiều lắm chị ạ.

Tôi vừa xúc động vừa thán phục khả năng tiếp thu và tìm tòi của anh.  Chỉ trong vòng nữa năm mà anh đã tự thu thập được tất cả mọi thông tin cần thiết để trở thành một người học sinh với đầy đủ kế hoạch và hy vọng. Với ý chí và cái đà này, anh sẽ còn đi rất xa nữa...

Sau đó tôi đổi việc làm và mất hẳn liên lạc với anh.   Nhưng mỗi lần nghĩ về anh tôi lại cảm thấy có điều gì vô cùng ấm cúng và tràn đầy hy vọng.   Anh là hiện thân của ý chí phấn đấu và vươn lên.  Có lẻ bây giờ anh cũng đã tốt nghiệp 4 năm và đã có việc làm ổn định tương đương với những người hành khách áo quần chỉnh tề, tay mang cặp táp, cổ thắt cà vạt và chiếc điện thoại liên tục nháy đèn. Nước Mỹ là 1 vườn địa đàng của cơ hội dành cho những người biết nắm lấy nó, và Cali - Silicon Valley có những thành phố có thể biến hầu hết những ước mơ thành sự thật . Giấc mơ của những thế hệ Gen-X.

Pensee

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2008

Dòng xa lộ

Sáng nay có 1 tai nạn giao thông xảy ra trên đường xa lộ khiến cả hai bên đường xe cộ chật cứng ngắt. Nhìn dòng xe nhích từ từ khoảng 5m/hr tôi đoán là cở này phải ít nhất 1 tiếng đồng hồ mới ra khỏi đoạn kẹt xe. Biết như thế để chuẩn bị tinh thần. Vừa đạp thắng cho xe nhích từ từ, vừa lôi cái headsets trong giỏ ra để đeo vô tai, thì tôi xe đàng sau lưng tiếng còi vang "títttttttttt". Tôi vội ngó lên trước mặt thì 2-3 cái xe bên lanes bên cạnh đang chen qua trước mặt xe tôi. À, thì ra lane của tôi nhích nhanh hơn 1 chút và lợi dụng thời cơ đó, mấy chiếc xe bên cạnh tranh thủ rẽ qua để hầu mong tiến nhanh hơn về đích một chút. Trong khi đó chiếc xe đàng sau đang ra ý cảnh cáo tôi rằng "mày không mau lên để nó chen vào kìa. Đồ chậm như rùa."

Tôi cứ bình thản nghe nhạc và giữ nguyên phạm vi đường thẳng của mình mà tiến trong 1 vận tốc không thể nhanh hơn.

Cái xe vừa mới lách lên trước mặt tôi là chiếc corolla màu xanh lá cây. Đa số chủ nhân của nó là người Ấn Độ, nếu tôi đoán không lầm. Đàng sau xe có 2 cái bumper stickers, 1 cái đề "Baby on Board!", cái thứ 2 đề "My child is an honor student". What a proud parent! Tôi tự nhủ.

Khoảng chừng 2 phút sau, chiếc xe đỏ sau lưng xe tôi rồ máy phóng qua lane bên cạnh và vượt qua xe tôi. Chiếc xe xanh trước mặt thấy thế, cũng nhào qua không cần xi nhan. 2-3 chiếc xe trước tôi và ở lane bên kia cũng lao qua nhanh nhẹn trong tích tắc. Mỗi chiếc xe có mổi kiểu và mỗi năm chế tạo khác nhau. Có chiếc trắng tinh mới cáo đời 2009 mới bóc tem, và chủ nhân hẳn là một người rất yêu xe. Có chiếc cũ mèm và trên xe là những anh Mễ làm những việc lao động chân tay kèm theo những đồ nghề lũng cũng trong xe. Không biết những chiếc xe cũ này có bảo hiểm bao bọc hay không? Kế tiếp theo sau là chiếc porsche mui trần màu đen cũng đang rồ máy. Ngồi trong chiếc porsche là một ông tuổi trung niên. Ông đi đâu mà cũng phải vội nhỉ? Có lẽ ông đang trễ cuộc hẹn giao dịch đáng giá cả hàng chục triệu đô.

Trong khi đó, ở lane bên phải phía đàng sau lưng tôi, chiếc xe mini cooper màu xanh dương vẫn từ từ nhẫn nha nhích theo vận tốc dòng đường, cứ như là không có điều gì chờ đợi ở phía trước, để mặc những xe sau lưng bóp còi la ó hoặc phóng ga vượt qua mặt.

Dòng xa lộ là như thế. Nó có đầy đủ bối cảnh và tính chất như 1 dòng đời ghép lại.

Những người biết luồn lách len lỏi trong cuộc sống thì có thể về đích sớm hơn hoặc mãn nguyện hơn đối với họ. Không cứ gì người giàu, người nghèo cũng tranh đua. Những người dễ tính đạp thắng lại nhường đường cho những người khác lách qua, thì sẽ bị áp lực từ phía sau thúc đẩy và thậm chí quyền rủa là kẻ ngu ngơ chậm chạp.

Nhìn cách của một người di chuyễn trên đường có thể đoán biết được cá tính của người đó. Những người có cá tính xâm lăng và ích kĩ thì thích cắt ngang người khác, vì họ chỉ quan tâm đến mục đích và nơi đi tới của mình mà quên rằng trong một giờ đồng hồ kẹt xe này, rất có thể có bao nhiêu người cũng đang vội vàng đi đến nơi tiễn đưa, sân bay, phòng cấp cứu, phòng thi... etc... Những người có tính tình nóng nảy và thiếu kiên nhẫn thì sẽ dễ dàng bị căng thẳng và ức chế đưa đến những câu chửi rủa và những tiếng còi. Ngược lại, những người tà tà chậm rãi không hẳn là những kẻ dư thời gian. Họ cũng có những mối lo toan và những mục đích phải đến . Nhưng họ biết sống cho những giây phút hiện tại, bao gồm những điều như ý và bất như ý. Cuộc sống đôi khi cần phải đấu tranh, nhưng đôi khi cũng cần phải chậm rãi lại và biết phó thác cho sự tự nhiên.

Có lẻ khi chú ý quan tâm đến những bối cảnh giữa dòng đời đang bận rộn ngược xuôi để rồi hiểu rằng, tất cả tha nhân chúng ta điều đang song hành hướng về một nơi destination và ở đó sẽ không còn khái niệm gì về thời gian nữa. Khi đó, biết đâu chúng ta sẽ nhìn nhau và cười rũ rượi... "what did we try to rush for?" :D

Pensee

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2008

Giấc Mơ Clementine...




Khoảng 3-4 tuổi tôi bắt đầu đi nhà trẻ. Nhà trẻ của tôi là nhà trẻ bất hợp pháp (thời ấy không có lớp học tư nào là hợp pháp cả) do các nữ tu dòng Phao lô cũ đã về hưu dậy . Nhà dòng này sau 75 đã bị nhà nước giải tán và tịch thu hết tài sản gồm đất đai và trường học, chỉ để lại một khu nhà nhỏ này lại cho các sơ đã lớn tuổi ở và sinh hoạt. Nhà dòng được cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bằng những bức tường cao có những giàn hoa leo phủ kín. Bên trong là một dẫy nhà được bao quanh bởi khu vườn mùa nào cũng có những luống hoa, rau quả và những giàn nho có trái nhỏ li ti. Ở chính giữa vườn là chiếc bồn nước có những bức tượng thiên thần nhỏ quì chung quanh và tượng đức Mẹ ở giữa đang chấp tay cầu nguyện . Không khí ở bên trong nhà dòng rất trang nghiêm, ngăn nắp và lặng lẽ . Các sơ sống ẩn mình hẳn bên trong thế giới ấy và rất ít khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Sinh hoạt thường ngày của họ là cầu nguyện, đọc sách, trồng hoa quả, thêu thùa may vá, và dậy học.

Lớp học bao gồm khoảng 6-7 đứa trẻ, con của những gia đình có máu mặt. Chử máu mặt ở đây phải hiểu theo nghĩa cực bóng, bởi vì họ chỉ đơn giản là những gia đình có mối quan hệ thân tín với nhà dòng từ lâu đời . Trong số 6-7 đứa trẻ ấy, tôi là đứa may mắn (hồi đó tôi không nghĩ là mình may mắn) được các sơ tận tình dậy dỗ từ buổi ban sơ cho đến tận sau này lớn lên các sơ vẫn tiếp tục dậy kèm cho đến ngày tôi đi vượt biên...

Thời đó, buổi sáng tôi phải đến trường từ rất sớm và sinh hoạt với các sơ cho đến tận chiều. Đến khi đi học ở trường công thì một buổi học trường, buổi còn lại ở nhà các sơ . Các giờ học được chia theo giờ giấc như sau: Cầu nguyện, hát nhạc, tập đàn, tập đọc, tập viết, và làm thủ công... Trong các giờ học ấy, tôi chỉ thích giờ ngủ trưa và sau đó là giờ thức dậy được các sơ đọc hoặc kể truyện cho nghe .

Tôi có cái tật từ nhỏ là khi các sơ dậy hát tôi hay cắt ngang lời sơ với những câu hỏi vớ vẫn như: mai bo ni lai âu vơ đi ô sân nghĩa là cái gì hả sơ? Sơ sẽ phải kiên nhẫn giải thích: "My bonnie lies over the ocean có nghĩa là....." và sơ sẽ phải kể một câu chuyện dân gian hay gì đó có liên quan đến xuất sứ của bài hát ấy. Tôi luôn luôn ấn tượng về những bài hát tiếng Anh và Pháp và những câu chuyện dân gian do các sơ kể . Nhiều bài hát hồi đó tôi chỉ nhớ lời chứ chẳng biết nó viết ra làm sao. Ví dụ như những bài tiếng Pháp như này: "À lu ét te ze tờ a lú et ... À lu et... " hoặc là "chìn gà bòng... đa bi nhong..." (thông cảm cho trí nhớ của tôi... trên 20 mấy năm rồi không hát lại.. )

Trong những bài hát thời ấy, Clementine lời Việt là bài tôi có nhiều ấn tượng nhất. Sơ kể về một xứ sở xa xôi ở một chân trời nào đó trên bản đồ thế giới, nơi ấy có những con suối lấp lánh đầy những hạt vàng kim loại, và những người dân di cư về đây sinh sống . Trong đám di dân ấy, có một gia đình có cô con gái chăn cừu xinh sắn với đôi môi đỏ và những lọn tóc óng vàng.

Giầy cao, ống mới ôm cổ chân dài
Giầy rất oai của Clementine

Sơ kể về nơi có những đôi giầy ống đủ màu sắc dành cho cả người lớn và cả trẻ em. Ở quê tôi lúc ấy chỉ có người lớn mới đi giầy cao ống, và họ chỉ mang nó để làm việc vào những ngày mưa dầm, và những đôi giày bằng cao su này chỉ có một màu đen duy nhất. Tôi cố hình dung đến những đôi giày cao ống đủ màu sắc nhỏ nhắn dành riêng cho trẻ em nó trông như thế nào, và tôi mơ ước có được một đôi màu xanh da trời để tôi có thể tha hồ che dù đi dọc dưới những con mương đầy nước dưới những cơn mưa .

Tôi về kể cho mẹ tôi nghe về những đôi giày màu sắc kì diệu này. Mẹ cười bảo với tôi rằng đó chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng rồi một ngày nọ, mẹ đã biến một phần lớn chuyện cổ tích đó thành sự thật bằng cách đặt hàng một đôi "ủng" (giầy cao ống) bằng cao su cở nhỏ vừa chân tôi bằng một số lượng cà phê . Mẹ cười niềm vui đong đầy nơi ánh mắt khi mẹ bảo tôi ngồi xuống để mẹ xỏ thử từng chiếc giầy vào chân cho tôi. Mẹ lo xa mua đôi giầy lớn hơn chân tôi 1 cỡ để tôi có thể sử dụng chúng cho đến khi tôi lớn. Mẹ âu yếm vuốt đôi giầy và bảo rằng từ nay chân tôi sẽ không còn bị ghẻ lở vì những trận mưa dầm nữa. Tôi sung sướng hình dung mình đang là cô nàng Clementine .

Một trong những giờ học tôi chán nhất là đàn dương cầm. Trên thế giới có hai loại người có quan hệ với đàn dương cầm, một là người chơi đàn, hai là người không thích chơi đàn. Tôi sinh ra là loại người thứ hai. Trong khi người chị họ bằng tuổi tôi có thể đàn lưu loát các bài hát để trình diễn ở các buổi tiệc gia đình, và sau này là tay chơi đàn chính cho nhà thờ, thì tôi vẫn luôn luôn ở bực vỡ lòng và chỉ có thể chơi mỗi bài Ave Maria, và chẳng bao giờ đánh được một cách thành thạo lưu loát.

Tôi chỉ đam mê một môn duy nhất đó là vẽ tranh và tô màu. Tôi có thể ngồi hàng giờ và quên ăn quên ngủ để vẽ. Thời ấy giấy bút rất hiếm hoi. Bị cô giáo và các sơ mách về tội xé giấy tập để vẽ, bố tôi thường phải kiểm tra và sẽ phạt nếu cuốn tập 100 trang trở nên mõng dính chỉ còn lại 20 trang. Bố tôi cấm tôi không được vẽ bất cứ dưới một hình thức nào và chỉ muốn tôi chú ý học đàn . Có lẻ vì ông sợ cho tương lai của tôi hơn là sợ tốn giấy . Mẹ tôi thì có biện pháp rất khả thi và tích cực, đó là bà mua cho tôi một hộp phấn màu và bảo rằng: "Con tìm góc sân nào đó rồi vẽ. Vẽ xong rồi dội nước xóa đi thì bố không thấy."

Với hộp phấn màu, hàng ngày vào giờ rảnh tôi thường ra góc sân ngồi lặng lẻ vẽ một mình . Các sơ cũng tôn trọng sự tự do của tôi và hay đi qua đi lại để ngắm và đôi khi động viên bằng những lời khen nho nhỏ. Những hình ảnh mà sơ Gioan kể về đất nước của Clementine không ngừng ám ảnh và đưa sự tưởng tượng của tôi đến những nơi hoang dại nhất. Tôi vẽ Clementine mặc bộ âu phục đeo thắt lưng oai vệ cưỡi trên lưng ngựa đang vượt băng qua con suối . Tôi vẽ Clementine đội mũ rộng vành, mặc áo đầm hoa đang dắt bầy cừu ngang qua sườn đồi. Thậm chí tôi vẽ Clementine mặc quần jeans bó, áo thun bó, đeo ba lô trên lưng, tay cầm khẩu súng đang nhắm vào một con cọp khổng lồ... Mỗi ngày tôi có mỗi tưởng tượng về Clementine khác nhau và tôi ước mơ tôi chính là Clementine.

Trong những câu chuyện, sơ hoàn toàn không nhấn mạnh với chúng tôi về những đoạn u buồn:

Rồi em vấp ngã, chân nặng đôi giầy
Trượt xuống sông rồi Clementine

Trong kí ức của tôi, Clementine không chết. Clementine theo tôi lớn lên, vào đời và thôi thúc sự tò mò của tôi về quê hương của cô ấy, nơi có những con suối trong lấp lánh những thỏi vàng kim và có những người di dân với những bài hát đồng dao nhẹ nhàng mỗi buổi chiều tà bên ánh lửa, và nhất là, những đôi giầy cao ống đủ mọi màu sắc dành cho cả người lớn và trẻ em.

Ôi em yêu kiều, ôi em yêu kiều
Người yêu dấu hỡi Clementine!

Pensee


Sorry I disabled reader comments due to so many spams..

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2008

The bachelorette



Me and the girls went out Sat night for H girl's bachelorette. It has been almost 4-5 years since I last been to the club. First we met at a spa in Union square and had a nice massage. I picked Thai massage, but this was nothing compared to the one I got in Thailand in term of intensity. The masseur girl barely bended my body nor touch my muscles. She was about my size, and she seemed weak for a masseur. Throught out the entire session, she kept complementing how flexible my body was. Well, I wouldn't want to hear that. I would rather expect my quiet moments for a good massage with a nice retreat setting and facility that worth my $125. But I don't think this time was worth any of that.

Later on, we had dinner at an Asian Fusion. I am not a fan of fusion food for its price and its portion. The only times I would eat at those restaurants are get together dinners with my friends, the typical Asian girls who want fancy food but can't stay away from rice and fish sauce. :-) This time was not different. I ended up finished dinner with an empty stomach. I should had ordered more dishes but I had to go with the flow with the other girls, and I wasn't sure where they planned for desserts. They ordered some wines during the dinner courses, but I did not drink any. Drinking alcohol on an empty stomach is suicidal. Overall, we had cool chats and fun at dinner.

After dinner we headed straight to the club. I had expected some nice fancy bar or something, but this one was a small club with about 200 people room capacity and the crowds there were mostly 30 something years old. On the way to the club we passed by Ruby skye and there was a long line of 20 something college kids. It felt weird. It felt like we used to be them not long ago, and we had also waited in line like that with the same spirit and the same anticipation, and now here we are, walking in the opposite direction and glare at them in much more confidence like we know exactly what we are doing. It's weird to realize how much we have aged. The reality is like a cruel slap on the face when you see the looks on those young kids' eyes with a big question mark "what are these ladies doing, clubbing with us?" and our look on the face is like an exlamation "No, kids. We are heading to a more sophisticate bar with the classier musics and the more intellectural crowds." It definitely felt weird.

The club was almost full when we got there, and it was only 10PM. There was some band playing some light rock on the stage with a projector displaying some cool musical animation in the background. After about an hour, the band stopped playing live and they started DJ'ing musics. The girls had some drinks and started dancing to the hip hop. That was when the night began. I tried to manage consuming as minimum amount of alcohol as possible and succeeded with 2 drinks through out the entire evening. But not that I knew the alcohol was very strong.

We got back to the hotel at 2AM, about the time they closed everything for the day. The girls were hungry so we went back to the small shop down the street for a slice of pizza. Many night owls were also there so we had to wait in line, and we all tried to squeeze in into such a small sized restaurant to get some warm air. Outside the breeze was getting colder as the night started falling away. The winds were fresh. The streets were clear. There were some smokes escaping out of the pipes and dissolving into the air. The street scene was like in that movie Blade when the guy walks down the streets with his hands and sword full of blood after killing all the vampirers. I don't remember vividly of the details in the movie, but I remember the feeling I got from that scene. And for that momment, I got this bizarre illusion like a time machine had brought me back to some place in the past. The past I had never been to. A feeling of deja vu. It was like a floating dream. That was when I know I was buzzed with the alcohol. A good feeling though.

After 2 slices of pizza each, the girls went back to sleep, and I went down to the parking garage to plan to head back home. The girls were all drunk and they forced me to stay. But I had another commitment on Sunday morning being an excuse for me to leave. So I left. When you have many commitments overlapping one another, you tend to flake each of them with its own excuses. I went down to the parking garage by the time my husband called to check. I told him I was not influenced and I was able to drive. I did not realize it was a big lie. By the time I got into the car, I started to realize the concrete world surrounding me. All the news about car accident on tv were coming back and replaying on my head so loudly. I could not believe I was about to do such a stupid thing at this age. All the sudden the memories came back. The careless me of 10 years ago who did not take anything with seriousness. Back then, I did not care to be aware of the consequences. I was too naive to realize how selfish I had been. I had just responded to temptations with a responsibility free attitude.

It was almost 3Am, and I decided to lower my car seat and take a nap. By that time the alcohol had already done absorbing in my body. My head was sober but my stomach was hurting terribly. I had never experienced this before. I was laying there couldn't sleep, couldn't puke, couldn't even move. My husband called again constantly to check where I was. He did not go sleep. In fact, he stayed up the entire evening worrying. For the first time I felt guilty. I felt like I was a teenage girl going to her prom and let her dad staying up all night at home worrying. It was a weird feeling, and I swear I would never want to experience this again, ever.

I hope I don't have to do another crazy thing in life again. Perhaps, I have really aged...

Pensee

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2008

Hương Bánh Mì...






Ở quê tôi thú vị nhất là vào ban tối. Trên các vĩa hè bọn thiếu nhi tụ tập từng tốp chơi đùa, nào nhảy dây, năm mười, cò cò, đủ các trò . Tiếng của bọn chúng la ó vang từ xóm trên xuống xóm dưới. Ở trên đường, từng tốp thiếu niên dập dìu qua lại kẻ nói người cười . Trên các ban công, các anh chị thanh niên ngồi tán dóc, chơi đàn guitar, hoặc hát hò bài gì đấy. Ông già bà lảo thì bắc ghế ra cửa ngồi, hoặc họp nhau lại đọc kinh và ngắm đàng Thánh Giá. Cứ như thế cả phố phường tối nào cũng náo nhiệt nhất là vào những giờ chập choạng cho đến tối mịt . Nhờ cái không khí về khuya đó mà các hàng quán trước mặt đường hoặc các xe hàng rong đua nhau bày bán đủ các món ăn khuya như bánh canh, bánh khọt, phở, chè, chuối chiên, khoai lang chiên, bánh cay... v.v không thiếu món gì . Trong số đó, có một chiếc xe bán bánh mì thịt trước mái hiên cửa hàng sách thiếu nhi bên góc đường Quang Trung và Hai Bà Trưng lúc nào cũng đặc biệt đông khách, bất kể ngày nắng hoặc ngày mưa .


Đối với bất cứ đứa con nít nào thời ấy, hoạt động thích thú nhất là được cha mẹ dẫn đi dạo phố và lê la hàng quán ăn vặt trên đường . Đối với tôi, được ghé xe bánh mì thịt luôn luôn là điều làm tôi xung sướng nhất . Mỗi lần đứng trước xe bánh mì, trong đầu tôi lúc nào cũng vẽ lên cả ngàn ước mơ đèo bồng to lớn . Một trong những ước mơ lớn nhất của tôi lúc bấy giờ là một ngày nào đó lớn lên tôi sẽ được trở thành bà bán bánh mì . Và tôi cứ thầm so đo ước ao giá mà mẹ tôi là bà bán bánh mì thì có lẻ tuyệt vời biết mấy nhỉ ?


Xe bánh mì này chỉ là một cái tủ lớn bằng kính nằm trên bốn bánh xe có thể đẩy tới đẩy lui được . Ở kệ trên tủ kính xếp ngay ngắn những cuộn thịt quay màu vàng ươm béo ngậy, vài củ hành trắng, vài trái cà chua đỏ ửng, vài bó ngò xanh, vài trái dưa leo non nớt xẻ đôi, vài trái ớt đỏ và vài bó giò lụa gói lá chuối màu xanh thâm thẩm . Kệ bên dưới xếp đầy những ổ bánh mì bé bé bằng hay bàn tay của trẻ em lên sáu . Loại bánh mì này nhiều bột nổi, ít ruột, nên rất giòn . Bên cạnh tủ kính là một cái lò nướng nhỏ bằng gạch đốt bằng than, và lửa để nhỏ hiu hiu .


Bà chủ xe bánh mì tên gọi là bà Bếp . Bà có duy nhất một cô con gái nhỏ tên là Tú Ái, trạc bằng tuổi tôi, luôn luôn ngồi bên cạnh giúp bà quạt lửa nướng bánh mì . Ở nhà bà còn có một mẹ già. Bà ấy ốm liệt giường cách đây đã mấy năm từ cái trận sốt cao mà nhà thương không có đủ thuốc men chửa trị. Gia đình bà chỉ có vỏn vẹn ba thế hệ đàn bà làm lụng nuôi nhau .


Mẹ con bà Bếp rất trầm tư ít nói . Hình như họ chẳng cần phải nói chuyện với ai về việc gì bao giờ . Giá cả vốn đả được định sẳn và ai cũng đả rõ điều ấy . người bán chỉ việc trao bánh và người mua chỉ việc trao tiền . Dưới thời tiết về đêm heo may lành lạnh của miền cao nguyên, việc mua bán cũng chỉ cần đơn giản như thế . Nhanh lẹ, và không cần nhiều lời . Đa số khách hàng thường mua một lúc ba bốn ổ bánh mì trở lên để đem về nhà quây quần cùng với gia đình bên ấm trà nóng . Và vì thế mọi người cũng rất kiên nhẫn đứng chờ xung quanh trong sự im lặng và cùng nhau quan sát bà làm việc . Người dân cao nguyên là thế . Rất thật thà lịch sự và cũng rất khép kín .


Như một cái máy, đôi tay bà Bếp cứ thoăn thoắt, rạch ruột bánh mì, bỏ lên lò nướng, lấy ổ kế tiếp đã nướng, phết lên mặt bên phải một lớp bơ thật mỏng, rồi mặt bên trái một lớp pa tê . Rồi theo đơn đặt hàng, bà sẽ bỏ thịt gà hoặc thịt sá xíu . Thịt gà của bà được xé thật nhỏ, và được phi lên trước với hành tỏi và một chút gia vị . Thịt heo quay sá xíu thì thơm nồng mùi ngũ vị hương và mùi hạt điều, và được sắt rất mỏng . Cứ thế bà xếp ngay ngắn vào bánh mì một lớp thịt, một lớp dưa leo, vài cọng hành lá, cọng ngò, tí cà rốt bào nhỏ và rắc thêm vào một chút muối tiêu . Gia vị cuối cùng không thể sót, đó là nước sốt cà chua . Món nước sốt đặc biệt này chính là món làm cho ổ bánh mì tiệm bà Bếp thơm ngon không ở đâu có thể sánh bằng .


Nếu người nào có sở thích quan sát thì sẽ thấy một ông lảo ăn mày cụt hai chân nằm co quắp ở đằng sau xe bánh mì, ở trong góc trái cánh cửa kéo của cửa hàng sách . Không rõ bắt đầu từ bao giờ, ngày nào ông lảo cũng lết về góc này để ngủ qua đêm như thể đây chính là tổ ấm của ông . Ông hay nằm co quắp cái cơ thể vừa khô vừa đen trong bộ áo rách rưới dính đầy đất bùn như thế . Trông ông giống như một chiếc ruột xe đã bị hư nát mà người ta có thể tìm thấy ở bất cứ hố rác nào ngoài ngoại ô thành phố . Ông nằm đó chẳng phiền hà gì tới ai, và người ta cũng chẳng ai hại gì đến ông . Dưới màn đêm mờ nhạt ánh đèn, hai thế giới con người của họ đối với nhau dường như vô hình .


Một đêm nọ em tôi bị bệnh nặng và lên cơn sốt cao vì cả ngày không ăn được gì vào bụng . Em nằm rên rỉ ỉ ôi như thế này:


- Mẹ ơi, con sắp chết rồi đây .


Mẹ tôi sợ tái mặt và dỗ em uống thuốc . Mẹ bảo em yêu cầu bất cứ món ăn nào em thèm để mẹ làm cho em ăn . Sau một lượt liệt kê các món, em yêu cầu bánh mì quán bà Bếp .


Lúc ấy đã gần 10 giờ đêm . Tôi phóng xe đạp như bay băng qua hai con đường dốc mong mua kịp trước giờ đóng cửa . Tôi đến nơi đúng lúc bà Bếp đang làm chiếc bánh mì cuối cùng . Nhìn quanh không thấy người khách nào ở đó. Tôi yêu cầu mua bánh, nhưng bà lắc đầu không bán. Tiệm bà đã đóng cửa .


Tôi năn nĩ bà bán cho em tôi . Nó đang nằm ở trước ngưỡng cửa sự chết . Bà bối rối cầm ổ bánh mì và quay nhìn ông lão ăn mày đang ho khù khụ trong góc hiên . Ông cụ dường như đã nghe hết cuộc đàm thoại của chúng tôi . Ông khua tay và nói:


- Cô bán cho nó đi . Bửa nay tôi nhịn cũng được . Đừng lo cho tôi .


Bà Bếp lấy trong học tủ ra một gói nhỏ đưa ông và nhỏ nhẹ:


- Hay ông dùng tô cơm này đi .


Ông lảo xua tay:


- Giờ này đóng cửa hết cả rồi. Tôi ăn rồi mẹ con cô ăn gì...


Bà mỉm cười:


- Ông cứ ăn đi . Đừng lo cho mẹ con tôi .


Bao nhiêu năm nay, tôi chẳng bao giờ quan tâm giờ nào xe bánh mì đóng cửa, và sự gì vẫn thường xảy ra ở đàng sau chiếc xe bánh mì ấy . Ở giây phút này tôi chợt ngỡ ngàng nhận ra một chân giá trị mà chẳng có sách vỡ, kinh Thánh hoặc lời huấn dậy nào có thể rỏ ràng và mạch lạc hơn thế . Tôi ôm ổ bánh mì thịt đi về mà lòng cứ mãi vấn vương ...


Tôi hiểu rằng tôi luôn yêu mảnh liệt mảnh đất Việt Nam còm cỏi là thế ...


Pensee

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2008

Người đàn bà sang


Ở một góc phố khuất hẳn bên cạnh vịnh San Francisco có một khu thương mại tuy nhỏ nhắn nhưng khá sầm uất . Ở trong khu thương mại có một phòng triển lảm, bán tranh và dậy vẽ. Phòng studio này lúc nào cũng đông đảo học sinh và khách hàng ra vào . Tranh ở đây thuộc thể loại trừu tượng. Những gam mầu sắc và đường nét cọ mang tính chất biểu lộ cảm xúc và kích thích bản năng rất mạnh. Nhìn những bức tranh, khó có ai có thể hình dung tác giả chính là bà giáo. Bà là một người phụ nữ Á Đông độ trạc tuổi ngũ tuần, tóc đã chớm ngả màu hoa râm. Bất cứ lúc nào lớp học, từ giờ mở cửa 11 giờ sáng đến giờ đóng cửa 8 giờ chiều người ta cũng có thể bắt gặp bà ở đấy, hoặc đang tô màu, hoặc đang giảng giải hoặc đang giúp đở học sinh giải đáp các thắc mắc. Học trò của bà là những học sinh ở bất cứ lứa tuổi nào, những em bé tiểu, trung học, hoặc những người cao niên đã về hưu. Với bất cứ ai, bà đều thân ái gọi họ là "my dear" "niềm thương mến của tôi", bất kể họ là đàn ông hay đàn bà, người già hay trẻ con. Và người ta có thể xác định một cách chắc chắn rằng khách hàng và học sinh nào cũng yêu mến nét tỏa sáng đặc biệt của bà giáo .


Bà nói tiếng Mỹ lưu loát như người bản xứ. Giọng nói trầm trầm rỏ rệt như một nữ xướng ngôn viên. Dáng bà gầy và cao. Người mảnh dẻ. Mái tóc được búi gọn bên trên gáy. Khuôn mặt của bà hình chử điền. Làn da hồng hào tươi nhuận. Bà có vầng trán cao và đôi mày thẳng vừa nghiêm nghị vừa thanh tú bên trên đôi mắt sáng và vòng nhản quan đen trắng phân minh. Đôi mắt bà luôn nhìn thẳng người đối diện khi nói chuyện, nhưng cái nhìn của bà nhẹ nhàng đầy xúc cảm tỏ lộ những điều bà đang suy nghĩ, chứ không phải loại tia nhìn sắc bén của những thương gia dùng để dò xét phản ứng của người đối diện . Toàn bộ khuôn mặt của bà là công trình gần như hoàn hảo của của đấng tạo hóa, với phảng phất nét đông tây hòa hợp . Cũng khuôn mặt và vóc dáng ấy, người ta có thể dễ dàng hình dung bà trong bộ y phục của một vị phu nhân của một nguyên thủ quốc gia, hoặc ít nhất cũng là một phụ nữ quyền quí.


Nhưng không. Không chồng. Không con. Bà đi sớm về khuya một mình.


Đàn bà ở trạc tuổi bà, hoặc bạn bè hoặc người quen, chín mươi chín phần trăm ho đang hạnh phúc với chồng và ít nhất cũng đã có một vài mụn con. Điều kém may mắn của bà khiến những người phụ nữ khác cảm thấy xót xa, đồng thời cũng làm cho họ cảm thấy mản nguyện và hạnh phúc vì họ biết được mình đang được may mắn hơn người khác . Đối với họ, tình dục là một sinh hoạt lành mạnh của cơ thể. Nếu không có sinh hoạt đó người phụ nữ khó có được lành mạnh như một người đàn bà bình thường. Và chính vì thế nên họ thắc mắc. Họ thắc mắc bà đang quen ai.. và với ai... ?


Người quan tâm hơn thì khuyên bà nên chọn một trong số người qua đêm ấy để lấy làm chồng để tìm một điểm dựa. Hoặc ít nhất là để có một đứa con. Bà đã từng nuôi một đứa con nuôi từ lúc nó còn nằm nôi, nhưng năm nó sáu tuổi, nó đã vĩnh biệt bà ra đi vì cơn bệnh bứu ở óc chuyển thành ung thư không thể chửa trị . Từ đó, bà bình an với sự độc thân. Ba mươi năm trôi qua, bà chỉ mỉm cười khi họ bàn tán về đề tài hôn nhân và tính dục, và bà không phân bua.


Khi người ta đã được hưởng những kĩ niệm quá trọn vẹn, quá hạnh phúc, thì người ta sẽ không bao giờ chấp nhận một hiện tại kém trọn vẹn hơn, và từ đó người ta dễ dàng chấp nhận sống ràng buộc với những điều đẹp đẽ thuộc về quá khứ. Và người ta chấp nhận sống một mình. Đó là trường hợp của bà.
Nhà bà ở cuối con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn lên ngọn đồi nơi góc phố. Căn nhà cũ kĩ đã được xây cách đây gần nữa thế kĩ. Từ hiên nhà bà có thể nhìn thấy hầu hết phía tây thành phố Cựu Kim Sơn. Ở nơi ấy, mỗi buổi chiều, bà ngồi yên lặng nhìn ngắm hoàng hôn và hồi tưởng về những kĩ niệm đẹp nhất của đời bà.


Ba mươi năm trước, bà và chồng vừa mới cưới nhau và họ đã dọn đến thành phố này với hai bàn tay trắng. Khi đó họ còn ở tuổi đôi mươi và pha?i ở nhà thuê. Bà đi làm, ông đi học. Sau ba năm, ông tốt nghiệp kĩ sư hóa học. Bà bắt đầu ghi danh đi học tiếp và đi làm thêm ngoài giờ. Ước nguyện thứ nhất của bà là gom góp tiền để mua một ngôi nhà nhỏ có khu vườn sau nhà để làm tổ ấm cho hai người. Ước nguyện thứ hai là tốt nghiệp bằng kinh doanh rồi sau đó tạo dựng một cơ sở thương mại .


Một buổi tối mùa đông, ông đã nấu một bửa ăn thịnh soạn với hoa và nến để bất ngờ bà trong đêm kĩ niệm bốn năm thành hôn. Trong đêm ấy, ông nói với bà ước nguyện lớn nhất của ông là mong được có con . Bà bồi hồi xúc động nhưng lại chần chừ và hẹn ông năm tới, đợi sau khi bà hoàn thành những ước nguyện của bà rồi có con cũng chưa muộn. Nhìn bà năn nỉ ông mỉm cười độ lượng, "Miễn sao em vui thì anh vui." Thế là họ tiếp tục sống hạnh phúc bên nhau như đôi chim non không ngại ngày tháng, cho đến ngày họ cùng nhau mua được ngôi nhà nhỏ xinh trên sườn đồi này.


Trời vùng vịnh hay có những đám mây mù bất chợt kéo về làm thành phố trở nên âm u. Định mệnh hôn nhân của ông bà cũng thế. Trong một lần lái xe dưới trời mưa gió. Đường trơn khiến ông mất thăng bằng tay lái, làm chiếc xe lao qua bên kia đường và bị một chiếc xe tải chạy ngược chiều ủi xuống hố. Sau khi cấp cứu và xét nghiệm, bác sĩ xác nhận não bộ của ông đã hoàn toàn bị hủy hoại và không có cơ may được phục hồi. Họ cho bà hai lựa chọn một là phải quyết định cho bệnh viện rút ống dưỡng sinh hay là giữ ông lại như một cái xác không hồn.


Ông là một người đàn ông xuất sắc. Trong mắt bà, ông toàn diện cả về dung mạo, kiến thức và đức hạnh . Và đặc biệt nhất là trên đời này sẽ không có ai yêu bà hơn ông. Giờ đây, ông ngừng lại ở tuổi 28, khi sự nghiệp, lòng nhiệt thành và sức khỏe đang ở đỉnh cao nhất.


Chỉ trong vòng mấy ngày, thế giới của bà đã hoàn toàn bị lật úp. Cũng như ông, bà sống như một kẻ không hồn. Bà vừa đau, vừa thương, vừa tiếc, vừa ăn năn...
Một năm trôi qua, bà quyết định đồng ý cho bệnh viện rút ống. Từ đó, bà bắt đầu cuộc sống độc thân.
Bà bỏ học, và không mong ước đạt được mảnh bằng thương mại nữa . Bà sống lặng lẻ một mình và không ngừng hồi tưởng về những kĩ niệm đẹp.

Có những lúc cô đơn, bà nhận lời đi ăn tối với một người đàn ông nào đó. Họ cũng có nắm tay, có nụ hôn. Người đàn ông với những lời hứa hẹn cũng có thể đã làm bà xuôi tai và cũng đã khiến bà có ý nghĩ tự cỡi trói mình và thả tự do cho thân xác. Cũng chẳng có ai làm quan tòa, để cần phải dằn vặt lương tâm. Ông cũng sẽ vui khi nhìn thấy bà hạnh phúc. Nhưng bà có hạnh phúc không nhỉ? Bà có yêu người đàn ông trước mặt này không nhỉ? Nghĩ đến đây bà dừng lại, và bà không còn cảm thấy ham muốn nữa. Trong lòng bà hiện lên những cảm xúc nao nao, vừa nhớ nhung, vừa dằn vặt...


Chị em bạn bè mua tặng bà những thứ đồ chơi kích thích dành cho phụ nữ . Họ không ngừng bàn luận về những câu chuyện và hình ảnh ở chốn phòng the. Có những đêm chợt tỉnh giấc, cổ bà khát, bà cũng thấy thèm một vòng tay, một nụ hôn. Nhưng rồi bà đã tập xóa tan những ham muốn đó bằng những mầu sắc và những cây cọ vẽ. Có lẽ những nhà tu hành tập kiềm chế thân xác mình bằng cách cầu nguyện hoặc ngồi thiền, còn bà, bà tô vào khung vải những hình dáng của dằn vặt, của nhớ nhung, và của ước muốn của thân xác và tinh thần.
Pha?i cha(ng nhờ đó bà thoát ly sự bế tắc ràng buộc của xác thân?


Ba mươi năm trôi qua, bà đã quen với nếp một mình. Một kiếp tu hành. Một sự thoát tục. Có lẻ do đó, ở bà toát nên một nét gì đó rất sang.

Pensee

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2008

Gia tài của mẹ để lại cho con...


Trưa nay tôi ghé ngang breakroom lấy bình nước uống, cùng lúc mấy con/thằng co-workers đang ngồi tán dóc.
Một thằng hỏi:
- Tụi mày có nghe vụ biểu tình và hunger strike của người Việt Nam ở khu thương mại SJ không?
Cả đám nhao nhao:
- yeah... I saw on the news...
- what? just over a name?
- so stupid...
Một thằng quay qua 1 con nhỏ bên cạnh:
- mày người VN hả?
con nhỏ lắc đầu:
- NO Chử No của con nhỏ này dứt khoát và chắc nịch.

Vừa nghe đến đây thì tôi lo chuồn thẳng. Bình thường tôi là một người rất tự hào và (không phải nói là kiêu ngạo) về gốc gác của mình. Nhưng trong tình huống này, tôi chỉ muốn biến mất càng nhanh càng tốt trước khi tụi nó quay qua hỏi tôi câu hỏi tương tự: "Mày cũng người Việt Nam, what's going on?"

Sự kiện này làm cho tôi suy nghĩ nhiều về bản thân mình đối với thế hệ con cái mai sau của tôi. Những thành công rực rỡ, những tiền tài danh vọng rồi cũng qua đi. Điều gì tôi có thể để lại để chúng có thể hảnh điện và tự hào về gốc gác và bản thân mình nhỉ?

Một ngàn năm nô lệ giặc...
Một trăm năm đô hộ giặc...
Gia tài của mẹ, để lại cho con.
Gia tài của mẹ, là nước Việt buồn.

Rất buồn.

Tôi có 5 ông chú. Lúc tôi bắt đầu có trí khôn thì tôi chỉ biết được mấy ổng qua những tấm hình trong những cuốn album cất kĩ trong tủ, và nghe lóm từ gia đình qua những cuộc bàn bạc kế hoạch giúp mấy ông trốn trại và vượt biên. Lúc tôi lớn lên thì bề mặt đất nước đã thay đổi cũng như số mạng của 5 ông chú của tôi. Một ông trở về với 1 con mắt bị chột. 2 ông vượt biên trót lọt. 3 ông trở về làm vườn, cho đến ngày đi HO. Ông thì lao đầu vào thương mại và chỉ biết những con số lên xuống của ngành chứng khoán. Ông thì làm việc tích cực ở hảng, để rồi tối về làm bạn với lon bia và trầm tư nhìn vào khoảng không hư vô rồi cười 1 mình . Chẳng ai biết ông nghĩ gì trong đầu. Chỉ thấy ông và 1 thế giới trầm tư. Ông chú còn lại thì có sở thích siêng năng chăm sóc nhà cửa, sửa sang vườn trước vườn sau. Lúc nào gặp cũng thấy ông đang bận rộn cắt cỏ hoặc xem xét xem cây hoa nào cần phải cắt tỉa và bón thêm phân. Cuộc đời mấy ông chú của tôi rất bình dị, y như cuộc đời của bố tôi.

Tôi không biết 33 năm trôi qua có hoàn toàn xóa sạch những kí ức của mấy ông hay không. Nhưng có 1 điều tôi nhận thấy được, đó là họ đã hoàn toàn hội nhập vào xã hội mới với một thái độ mới, không hẳn là tích cực, nhưng cũng không hẳn là tiêu cực. Thái độ dửng dưng an phận thì chính xác hơn. Và, từ thái độ im lặng đó của những người sống còn đối với những gì đã thất bại, đã cũ, đã mất, cho tôi thấy toát lên lòng tự trọng và danh dự còn sót lại trong họ, và tôi tôn trọng điều đó. Khi một người không có khả năng và không làm gì được tốt hơn, thì sự im lặng đáng được tôn trọng.

Trong khi chú tôi cho tôi bài học về sự mất mát của quá khứ, thì bố tôi dậy cho tôi bài học về sự dứt khoát . Dứt khoát với những gì đã qua . Bố tôi là một người vô cùng kiệm lời khi nhắc về những gì huy hoàng ngày cũ, và càng kiệm hơn khi nhắc đến những gì mất mát không may . Hầu như tôi chưa bao giờ nghe ông ngồi ôn lại dĩ vãng của mình, ngoại trừ những lần kể chuyện về 1 ai đó. Ông là một người sống cho hiện tại và luôn luôn nghĩ cách làm sao cho hiện tại được tốt đẹp, cho dù nó có bi thương. Nếu nói đời bố tôi không có gì để ôn lại thì càng không đúng. Số mệnh sự nghiệp của ông trôi liền với mệnh nước, nhưng những cảm xúc vướng bận của ông không cộng đủ để ráp lại thành 1 dòng thơ. Ông đơn giản và dứt khoát là thế.

Trong mắt tôi, chú tôi và bố tôi có những yếu điểm và cũng có nhiều ưu điểm. Gia tài họ để lại cho tôi không phải là tiền bạc hoặc giá trị vật chất. Gia tài họ để lại cho tôi là lòng tự trọng và sự dứt khoát tách rời cuộc sống hiện tại ra khỏi quá khứ .

Những thế hệ đi trước đã phải nếm trãi những mùi đau thương. Nhưng nếu phải thuyết phục hoặc ảnh hưởng những thế hệ kế tiếp phải cảm được những kinh nghiệm mình đã trãi qua thì thật tàn nhẫn. Vô tình, những bóng đen của chiến tranh, của hận thù khổ đau đè nặng những thế hệ trước đã tạo nên sự mặc cảm, tự ti, nghi ngờ và thiếu tự tin trong lòng thế hệ con cái. Thế hệ tôi đã lảnh đủ, và tôi không mong những bóng đen đó sẽ tiếp tục tồn tại và gieo vào những thế hệ kế tiếp.

Giá mà những người cha anh thế hệ đi trước đều có thể như người cha trong cuốn phim Ý này [url="http://movies.go.com/life-is-beautiful/d794157/drama%22]Life is beautiful[/url] hoặc như người anh này [url="http://movies.yahoo.com/movie/1800173241/info%22]grave of the fireflies[/url] Cho dù đời có tệ cách nào, cũng luôn luôn đem cho con em mình những sự lạc quan để tạo nên những giây phút sống trọn vẹn nhất. Sự lạc quan và hạnh phúc đó sẽ tạo nên những thái độ tích cực và những con tim biết yêu thương, xây dựng.

Ước gì những thế hệ đi trước biết cân nhắc từng cử chỉ hành động của mình, điều gì nên làm điều gì không, và những điều ấy sẽ có sức ảnh hưởng như thế nào với những thế hệ đi sau. Mong rằng họ biết can đảm bước 1 bước ra ngoài cái hộp nhỏ để nhìn vào vị trí của mình và dùng khả năng khách quan tự phán xét mình để hiểu được những việc làm của mình có sức ảnh hưởng theo chiều hướng tốt hay xấu. Cái tên có thể là quan trọng đối với 1 số người Sài Gòn nào đó, nhưng Sự cố chấp và đả phá sẽ không bao giờ giử một cộng đồng tồn tại.

Pensee