Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008

Kỉ niệm


"bao nhiêu kỉ niệm hoa bướm ngày thơ, bao nhiêu nỗi niềm nhung nhớ... có ai đi thương về trường xưa..."

Ngày xưa còn bé, tôi thường hay nghêu ngao câu hát này. Có ngờ đâu, một ngày nào đó tôi lại cũng trở thành nhân vật chính trong bài hát ấy, ngỡ ngàng lần từng lối mòn tìm về khung rêu trường cũ.

Buổi trưa hôm ấy cuối thu. Nắng hâm hâm màu mỡ gà . Tôi mặc chiếc quần khakis màu xanh cỏ úa, mang đôi giày săn đan da nâu, tay thọc vô túi quần, lững thững từng bước trên những vĩa hè âm ĩ mùi nắng gắt. Những cô cậu bé học trò vội vã hối thúc nhau băng vội qua đường cho kịp giờ học . Họ chẳng màng chú ý đến tôi.

Tôi dừng lại nơi gốc cây cột điện ngay góc đường, khoanh tay, đứng nhìn thời gian trôi. 15 năm trôi qua trong cuộc đời. Góc đường này ngày xưa hoang vu lắm. Nó là một mãnh vườn hoang với những giậu hoa leo màu trắng che kín cả khu vườn bên trong. Ngày đó, đám bạn và tôi thường hay hái những cánh hoa màu trắng có hình cánh cò mọc um tùm dưới khe mương để chơi trò cò kéo co. Trước thềm bên kia phố, ngày ấy, có cây bơ to lắm. Gốc bơ đó là điểm hẹn của chúng tôi mổi chiều sau giờ học để hàn huyên chuyện làng xã trước lúc chia tay. Có 1 lần, bị cô giáo anh ngữ phê điểm yếu trong cuốn sổ điểm của lớp (sổ này gọi là sổ gì tôi quên rồi nhỉ) (sổ báo danh??) Cả lớp cùng nhất trí quyết định hủy bỏ cuốn sổ điểm và nói dối với cô chủ nhiệm rằng sổ đã bị 1 tên hung đồ cướp mất. Thế đấy, chúng tôi đã lớn lên, đã cùng nhau tập tành nói dối, cũng ở gốc cây bơ ấy. Giờ đây, phố đã khác xưa, cây bơ đã không còn.

2 đứa bé khoác vai nhau đi qua. Chúng nói chuyện xầm xì nhỏ to. Tôi chăm chú theo dõi xem chúng đang tâm sự chuyện gì. Rồi chúng bụm miệng cười khinh khích. Đẩy nhau, rồi rượt nhau chạy, không màng gì đến tôi. Ngày xưa tôi cũng thế. Nó, con Hòa, tôi và thằng Thành móm. Ba đứa tôi xuôi về 1 con dốc. Sáu năm ôm cặp sách cùng nhau trên 1 đoạn đường dài. Thằng Thành hay chọc để 2 đứa con gái chúng tôi rượt chạy hoài như thế. Rượt - chạy, chạy - rượt... để rồi cuộc đời rượt mỗi đứa về 1 ngã. Thằng Thành nay đã yên nghĩ sâu nơi lòng đất. Con Hòa giờ đây đã thành 1 cô giáo, ngày 2 buổi đạp xe đi dậy ở 1 buôn làng xa xôi.

Chuông trường đã reng. Bóng các học sinh đã khuất hẳn sau cánh cổng trường khép kín. Giờ học bắt đầu. Có lẽ không còn ai đi học trễ như tôi. Ngày đó, mỗi lần đi học trễ, tôi thường chui rào hoặc đi cổng sau. Trường tôi ngày ấy không xây khang trang như bây giờ. Trước những bờ tường xi măng xây cao kia, đã từng tồn tại những hàng rào kẻm gai nhọn sắc, và những giây hoa giâm bụt leo chắn kín bờ giậu. Những bức tường lớp học ngày ấy xanh thẩm màu rêu và lổm chổm những lổ thủng. Màu của tàn phai và những cung buồn của rạn nứt .

Chiến tranh vốn khổ. Hậu chiến tranh cũng chẳng sung sướng gì. Mái trường ngày xưa của chúng tôi cũng chắp vá từ những mảnh bom đạn vỡ ghim vào da thịt, mái tôn hoen rĩ. Trời mưa cũng như trời nắng, ngồi trong lớp học cũng đếm được bao nhiêu vầng mặt trời rơi trên trang sách . Từ lớp học này, có thể nghe được bài giảng của cô giáo lớp kế bên, và có thể nghe được bài đọc thuộc lòng của lớp học cuối khối. Vậy mà chúng tôi yêu lắm. Yêu những năm tháng cùng những mãnh khổ chắp vá lại thành vùng tuổi thơ.

- Ấy... cẩn thận.

Câu nói bất chợt, kế theo sau là 1 xô nước tạt ra vĩa hè ngay trước mặt kéo tôi ra khỏi vùng suy nghĩ. Người phụ nữ tóc hoa râm 2 màu nhìn tôi cười ái ngại, rồi bà đi vô nhà. Tôi ngỡ ngàng, nhíu mày. Trông quen lắm. Phải, chính là cô giáo Thuận dậy tôi năm lớp 5, cô giáo đã khẻ tôi 8 cây đây mà. Cô không nhận ra tôi, tuy tôi cũng chẳng thay đổi là mấy. Thời gian phôi phai trong trí nhớ con người. Cô giáo khuất sau cánh cửa. Tôi đứng thừ người ra. Tôi có nên nhận cô không nhỉ? Hẳn ở một góc khuất nào đó trong trí nhớ của cô cũng có 1 phần về tôi, về cái con bé hơi ngông ngày nào cô đã để lại 8 dấu ấn trên đôi tay bé nhỏ của nó. Mà nó cũng chẳng giận cô lâu đâu. Chắc cô cũng còn nhớ những buổi chiều nó đi bên cạnh ôm phụ cô chồng sách giáo khoa hoặc chồng bài tập. Có hôm trời mưa, nó mãi mê chạy theo những con thuyền giấy làm ướt nhẹp hết bìa vở của cô. Rồi cô chỉ trách nhẹ nó bằng cái nhìn ái ngại. Phải, cũng cái nhìn ái ngại này. Nó làm sao quên. Cô còn nhớ?

Cô giáo đã đổi nhà. Tóc cô đã 2 màu đen trắng. Mọi việc đã đổi thay, tuy kí ức còn tồn tại mãi một hình ảnh của dĩ vãng như thước phim cổ điển được chiếu đi chiếu lại. Tôi cúi đầu bước đi tiếp. Có lẻ, biết đâu, hình ảnh con bé học trò ngày nào trong cô sẽ đẹp hơn nhiều. mà, cuộc sống luôn cần những hình ảnh đẹp để giúp con người ta thăng hoa.

Tôi đi loanh quanh ngôi trường khang trang mới xây lại. Tên cũng đã đổi . Tiếng chuông reng lên như tiếng chuông điện thoại thay thế tiếng trống "tùng tùng" báo hiệu giờ ra chơi . Lũ trẻ ùa ra sân . Tôi thầm nghĩ, biết đâu đấy trong đám thầy cô trưởng thành kia có đứa cũng là lũ bạn của tôi ngày nào. Và, trong đám học trò ấy, có đứa bé nào đấy mà đã 1 thời tôi và cha mẹ chúng đã ngồi dưới gốc cây bơ nông nỗi hứa nhăng hứa cuội với nhau rằng, "lớn lên tao với mày làm xui gia hén."

Kĩ niệm ... sao nhớ mãi cho vừa...

Pensee