Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008

chú dế nhà ai?


... Con nít xóm tôi nghịch ngợm lắm.

Mà, con nít xóm nào lại không nghịch ngợm nhỉ?

Mỗi lần trời đổ cơn mưa lâm râm, đất ẩm ướt một chút, là bọn con nít xóm tôi rủ nhau lên đồi đào dế. Mỗi đứa thủ sẳn 2, 3 cái bịch ni lông, đục mấy lổ hổng cho thông hơi, thế là có thể tha hồ tóm gọn bọn dế mèn cho vào đấy. Mà chúng tôi cũng vô nhân đạo thật. Những con dế than đen bóng, có cái cẳng to kềnh với cái đầu bự chảng và 2 sợi râu dài ngoằng chính là đối tượng của lũ chúng tôi. Mỗi lần đứa nào tóm được 1 con như thế thì y như nhà nó có pháo nỗ đêm giao thừa . Tuy nhiên, không phải đứa nào cũng có thể bắt được dế ngon đâu nhé. Phải cần có cặp giò nhanh nhẹn, đôi tay khéo léo, cặp mắt tinh lanh và đôi tai thính thì mới có thể dễ dàng tóm gọn 1 chú dế hiên ngang và vạm vỡ như 1 dũng sĩ như thế từ trong hang .

Đem dế về nhà, tôi bắt chước anh tôi bỏ chúng vào chiếc hộp diêm quẹt. Bên trong và bên ngoài hộp cũng phải vẽ hình cho thật đẹp mắt, như thế chú dế mới yêu đời và sung sức. Anh tôi bảo vậy! Dế ăn gì à? Cũng dễ lắm! tôi đút cỏ, nó cũng ăn. đút cơm, nó cũng ăn. Tôi chưa hề cho nó ăn bánh hoặc kẹo, vì tôi tham ăn lắm. Chiều chiều rảnh rổi, bọn tôi cũng xúm lại trước sân nhà thờ chơi đá dế. Tôi cũng bắt chước anh tôi, lấy đầu con dế - đã chết... cứ gọi là tàn nhẫn quá mạng - rồi gắn vô cái cây tăm, dùng nó để giả làm con dế đối thủ để kích thích tính chất hung hăng và háo thắng của con dế nhà. Sau đó, dùng kĩ thuật quay dế để cho nó lên tinh thần chiến đấu trước khi lâm trận .

Mỗi lần đá dế, cả bọn nhóc mười mấy cái đầu xúm lại la to "dô dô... đá... đá... " vừa hùng hổ dơ nắm đấm lên như trước 1 võ đài thật sự. Trước cảnh đánh hợp đồng như thế, sợ con dế chết, tôi dựt lại con dế của mình bỏ vào hộp rồi lui ra, "tao không chơi nữa." Vài lần như thế... dần dà ... bọn chúng không cho tôi chơi chung nữa. Bảo rằng, tôi nhát như thỏ đế. Có lẽ đây chính là sự khác biệt giữa con gái và con trai.

Nhắc đến thỏ đế, tôi thường hay hỏi bố tôi, "tại sao lại gọi con thỏ là thỏ đế?" "à ... vì nó nhát." Câu trả lời huề vốn. Một hôm, bố tôi đem về cho chúng tôi 3 con thỏ lông trắng muốt, mắt đỏ tươi tròn xoe thật xinh xắn. Bố tôi đóng cái chuồng bằng gổ cho chúng ở. Ngày ngày chúng tôi hái ngọn rau khoai lang xanh non ngoài vườn vào cho chúng ăn. Bổng dưng một buổi sáng, chúng tôi ra thăm, chuồng gỗ vẫn đóng kín mít, thế mà 3 con thỏ không cánh mà bay . Úi, thỏ làm gì có cánh nhỉ... Không lẻ, bọn chúng không thích chúng tôi nên bỏ đi rồi? Có lẻ, bọn mèo ác nghiệt của hàng xóm đả đuổi mất bầy thỏ của chúng tôi. Bố tôi giải thích như thế dựa theo những nốt chân mèo còn in lại trên nền đất. Từ đó, tôi ghét mèo.

Mỗi năm mùa xuân đến, bướm bướm bay ngập trời. Phải nói, trên đời này tôi chưa thấy nơi đâu có không gian mùa xuân đẹp như quê tôi. Chỉ sau một đêm, những cô chú nhộng trên giàn trà bổng trổ mình cất cánh, để hóa thân thành bướm bướm đẹp xinh. Chúng tôi hay lừa đàn bướm bằng cách cắt 1 miếng giấy thủ công màu vàng hình cánh bướm, rồi cột vào sợi dây và cứ thế chạy phất phơ giữa những trườn đồi. Đàn bướm bay theo chúng tôi vàng cả không gian.

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa,
bay cao thì nắng, bay vừa thì râm...

Câu ca dao này học sinh tiểu học nào chẳng thuộc nằm lòng. Những ngày vào hạ, trời thật thấp, mây thật gần như có thể với tay chạm tới. Chuồn chuồn bay lượn bên những bờ mương, trên những lá khoai môn xòe rộng như những chiếc dù nhỏ. Chuồn chuồn đủ màu sắc. Chúng tôi cột những tờ giấy thủ công xếp lại thành hình nhỏ vào đuôi những con chuồn chuồn, cho chúng bay lên, rồi thích thú vỗ tay reo vui. Con nít hay có những trò chơi quái ác như thế.

Trời đêm sau những cơn mưa, thường có vô vàng đom đóm bay lên tỏa ánh sáng lấp lánh vào không gian tĩnh mịch của xóm nhỏ. Chúng tôi sắm mổi đứa 1 chiếc bóng điện tròn đã hết sử dụng. Anh tôi gắn cho tôi sợi dây ở đầu bóng để tôi xách tòng teng. Rồi chúng tôi chia nhau cái vợt bằng vải bà ngoại may cho tôi để bắt chuồn chuồn. Trời đêm ở miền quê thanh bình đến đỗi tôi ít khi cảm thấy sợ sệt điều gì.

Đôi khi, trong giấc mơ tôi vẫn ngỡ mình vẫn lang thang trên bờ mương với lũ trẻ, mãi mãi rượt theo đàn đom đóm nhà ai... chú dế nhà ai ...

Pensee