Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008

Anh lái taxi


- Bình thường ở đây có hay bị bão lụt không anh?
- Cũng chỉ bị ảnh hưởng thôi, chứ không bị trực tiếp chị ạ. Thành phố thủ đô mình được các tổ tiên xây dựng trên 1 địa thế thịnh vượng nhất của đất nước. Chiếc cầu kia được hoàn tất cách đây vài năm. Còn chiếc đó được Nhật họ xây, cũng đã hoàn tất...

Anh tài xế taxi vừa lái xe vừa thao thao chỉ dẫn cho chúng tôi về thành phố, với vẽ mặt kiêu hãnh đầy tự hào lia về từng mái ngói, chiếc cầu, bờ đê chắn lũ... Anh hỏi tôi từ đâu đến? Tôi trả lời, "tôi từ trong Nam." Xe chạy ngang qua những ngôi làng ngoại ô, băng qua những ngôi mộ nằm nép bên bờ ruộng, tôi bâng quơ, "có thể mộ ông bà tổ tiên tôi nằm đâu đấy!" Anh dướn mày, "thế à?" "tôi đùa thôi, bố me tôi từ Hà Nội, va Bùi Chu, phát Diệm... còn tôi, sinh miền Trung, lần đầu tiên ra Hà Nội!"

- Chị thích nghe nhạc không?
- Anh có nhạc gì?
- Toàn nhạc quê hương cả
...... ****... ******

Nhạc quê hương của anh có nghĩa là nhạc cách mạng. Tôi định thắc mắc tại sao thế hệ anh giờ này còn nghe bài có đoạn Mát xi cơ va... Không biết anh có biết nước Liên Xô đã bị xé lẽ trả lại sự bình quyền cho những nước cộng hòa độc lập? Nhưng thấy sự trong trắng ngự trị trên khuôn mặt non nớt dễ thương ấy, lại tôi lại thôi.

- Anh chị có cháu nào chưa?
- Chưa, còn anh?
- Dạ em có 1 cháu gái 2 tuổi.
Từ sau kính chiếu hậu, tôi có thể đọc được nụ cười nở rộ trên môi người cha.

- chắc chị độ tuổi em?
- anh bao nhiêu?
- 28
- sinh năm 79? vậy em bằng tuổi em tôi.

Tự nhiên tôi thấy cậu bé trở nên gần gủi . Khuôn mặt rắn rỏi sương gió hằn nếp bôn ba của cuộc đời. Cặp mắt sáng lung linh đen lay láy ủy mị. Người có cặp mắt này là người thông minh nhưng nhút nhát, và có 1 nội tâm hiền lành đức độ.

Đến Bát Tràng, cậu bé bảo chúng tôi đi dạo, cậu sẽ đợi.
- Anh chị cứ đi, em đợi đây lâu cũng được.

Dạo 1 vòng, tôi định mua bộ ấm màu đỏ xinh xắn trưng trong 1 hiệu, nhưng tiệm đóng cửa. Thấy chúng tôi loay hoay, cậu bé chạy vào gỏ cửa năn nĩ để giúp tôi mua được bộ ấm duy nhất ấy. Có lẽ vì thấy chúng tôi đi cả buổi mà chẳng mua gì, cậu ái ngại. Tôi xua tay, không sao cả, mục đích của tôi là đi thám cảnh, chứ chẳng cần thiết phải mua gì. Cậu cười gãi đầu ...

Trên đường về, cậu hỏi, "anh chị có đi chùa Hương không? cũng không xa mấy độ 20 cây, để em chở anh chị đi luôn cho đủ tour... nhân tiện ghé thăm nhà, nhà em ở gần chùa Hương"
- Chắc hôm khác, vì tôi lười quá.

Về lại phố, tôi trả tiền cậu đủ tour và cộng thêm tips. Cậu đếm tiền, và trả lại tôi tiền tips "chị đưa em dư ạ!" "Tôi biếu em uống nước" Cậu cười gãi đầu ái ngại, "chị cho em đủ rồi ạ, thôi... em không lấy nữa đâu!" Tôi hơi ngỡ ngàng trước phản ứng của cậu bé. Lần đầu tiên tôi cảm thấy thật bối rối. Chẳng lẽ, cậu ấy không cần tiền? Không cần tiền sao phải từ quê lên mướn phòng trọ ở tạm, ngày ngày phải bôn ba đón khách, 1 tháng mới về thăm ba mẹ 2-3 bận. "ở quê cực lắm chị ạ. Bố mẹ em vẫn phải cấy lúa."

Ở nước Mỹ phồn vinh, người ta dùng tiền để đổi chác mọi thứ, có tiền thì có tất cả. Ở những nơi nghèo khổ, người ta cũng khó mà nhận ra tình người vượt qua giới hạn của đồng tiền. Cậu bé lái taxi làm cho tôi hụt hẩng về cái cảm giác eo hẹp ấy. Tôi cảm thấy nhỏ nhoi và ngụp lặn trong cái sự tôn nghiêm của 1 người lao động chân chính và thành thật. Cậu đã dậy cho tôi bài học sâu sắc về phong cách làm người.
(Mar.25.2007)

Pensee