Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010

Một ngày tháng 4

Một bên gọi ngày giải phóng . Một bên đặt tên ngày quốc hận .
Những đứa trẻ sinh vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến nay đã bước vào tuổi 35 .
Tôi không định nghĩa được chử tổ quốc .
Chỉ nhận ra dãi màu xanh hiện trên google search.

Người ta hỏi tôi, "Phở" phát âm làm sao ?
Tôi nhấn giọng trịnh trọng, "Phở" với tiếng thở kéo dài ở cuối câu ...
À, Nó đúng người Việt Nam, người ta kết luận .


Tôi có một cuốn sổ tay ép một cánh hoa cũ
Mang từ cánh đồng quê tôi
Đặt trên chiếc kệ thép không rĩ trong căn hộ sơn màu đỏ treo lơ lững giữa trời thành phố Vịnh
Quê hương trong cuốn sổ ấy .
Tôi tự nhủ .
Nhưng tôi chẳng mấy khi mở cuốn sổ ấy ra .
Trừ khi .
Mẹ tôi gọi . Bố tôi gọi .
Nhắn .
Số phone của ông, bà, cô, chú, bác, con gọi dùm ...
Thế là tôi mở sổ
Thoang thoảng mùi hương trầu mà có lần ngoại tôi lỡ tay quẹt vào .
Những lần như vậy tôi nhớ quê .


Tôi không có quê nội . Cũng không có quê ngoại .
Chử Quê Hương đối với tôi trừu tượng .
xa quê tôi mới gọi
để đặt tên cho bài thơ tuổi 16


Có một nhóm bạn rủ tôi vào góc "yêu Việt"
với hình trái tim ưu ái nằm giữa
Bài thơ tình được chuyển tải
Hình ảnh người thầy giáo, bác tiều phu được chuyển tải
Tôi cũng đáp lại: "Vâng, yêu lắm Việt ơi!"


Chiều hôm qua đi ngang phố lạ
Có quán nhỏ nơi góc đường
Mùi húng quế bay ra
Cơn mưa đổ rào bất chợt
Chạy . Núp .
Giàn hoa giấy đỏ giăng ngang .
Ngây người .


Tôi đi ngang nhiều thành phố lạ
đâu đó cũng phảng phất những góc nhỏ bình dị của quảng tuổi thơ tôi
35 tuổi liệu đã già
mà sao đôi lúc lòng tôi nhiều tự sự ?
Tôi trầm tư theo bản nhạc itune
Một em bé lại gần, "chị nghe gì thế ?"
À, nghe bài "kĩ niệm" của Phạm Duy
Là gì ? Em nhún vai .
Khi tôi đăng đoạn thơ "Con sông quê hương" của Tế Hanh trong facebook.
Một anh chàng trạc tuổi khen tôi làm thơ hay
Tôi hỏi, bạn hiểu gì ?
Lắc đầu cười . Thế là tôi có dịp được bày tỏ .
Và tôi tìm được sự đồng cảm .
về ước vọng của những cuộc đời xa xôi .
về một dòng sông và chân trời chúng tôi chưa một lần tới
về tác giả đã qua đời ...


Quê hương là gì
là những gì còn lại trong tìm thức
hay những gì chứa đựng ở tương lai ?
mà tôi lúng túng ..


ngồi đây
tự hỏi ...
35 năm
mẹ cho
làm người .

Pensee

giấc mơ cũ...

Dạo này đã thành thông lệ . Bước khỏi tàu điện là ghé starbucks xếp hàng mua ly cà phê sửa . Thành phố còn đậm sương mai . Nền đường còn sạch toáng . Không khí SF lạnh lạnh, không ngay ngáy mùi biển như ở Nha Trang, nhưng cũng không khô thoáng và trong lành như ở Pleasanton. Bước bên cạnh những người kéo vali hoặc xách tay vội vã . Tôi đi chậm lại . Đi sát bên đường để nhường họ qua mặt . Tôi thích đi bộ trên những con đường sớm mai như thế này . Bước qua con hẻm nhỏ bất chợt có một vài cánh hoa rơi từ ban công căn hộ trên cao cũng làm cho lòng mình lao xao . Cảm giác nữa như ở SG, nữa như ở BM. Ồn ào vội vã như SG, và lành lạnh như BM.

Ngày nào cũng đi ngang qua cái siêu thị bán Art supplies đang được tân trang với hàng băng rôn sẽ mở cửa vào Hè 2010 . Đứng lại 1 chút . Nhìn . Cảm giác giống như 1 đứa trẻ đứng trước món quà đêm giáng sinh, cứ đếm từng phút thời gian mong trời sáng có thể mở quà . Hè sắp tới rồi . Nhìn qua lớp cửa kính mường tượng tới những giờ trưa, những phút giải lao sẽ có bóng dáng của tôi lướt qua từng dãy dụng cụ thiết bị nghệ thuật ấy . Thế giới ấy còn nhiều điều để tôi khám phá .

Giấc mơ của nguyên vẹn 30 năm chợt hình thành rõ nét trong đầu . Phải, tôi ước mơ được ngồi lặng yên chỉ để vẽ tranh thôi . Ước mơ nhỏ nhoi đó mà theo đuổi tôi cả đời . Hồi nhỏ tôi vẽ đẹp lắm . Ai cũng khen tôi như thế, và tôi biết là họ không xạo . Duy chỉ có bố tôi là hoàn toàn không tán thành về những bức vẽ của tôi . Ông thật mâu thuẫn khi chính ông là người rất yêu ngành kiến trúc . Ông đam mê cã ngày lẫn đêm ngồi vẽ sơ đồ xây dựng , và ông đã từng có nguyên 1 cửa hàng cung cấp thiết bị xây dựng . Thế mà ông lại dập tắt đi ngọn lửa đam mê của tôi . Hễ thấy tôi vẽ ở đâu là ông xé, bỏ . Ông thường xuyên kiểm tra vở của tôi từng trang một xem tôi có vẽ bậy ra đó không . Tôi có cảm tưởng rằng ông không cấm vì sợ lãng phí giấy - mặc dù đó là lí do ông nêu ra - mà nguyên nhân chính là muốn dập tắt đi ước mơ khi nó còn chưa được hình thành . Hình như đối với ông chỉ có người khiếm khuyết, như là anh họ tôi, bị liệt 2 đôi chân, mới nên trở thành họa sĩ . Tôi lớn lên với nỗi ám ảnh rằng vẽ tranh là 1 việc làm không đúng, giống như là ăn vụng, hoặc trộm cắp . Tôi không ngờ cái ám ảnh đó nó theo tôi dài như thế .

Lúc đến trại tị nạn, ban điều hành trại tổ chức cuộc thi vẽ . Ở trong Âu Cơ tôi được các thầy cô cố vấn ủng hộ màu và giấy, thế là tôi tham gia với 2 bức tranh màu nước . Kết quả là cả 2 bức đoạt giải nhì . Giải nhất là bức tranh của anh kia với kĩ thuật rất pro và đẹp . Tôi cũng không ngờ tranh của tôi đoạt giải nhì vì tôi chưa từng qua 1 khóa vẽ nào . Các thầy cô nhận xét rằng vì tranh của tôi mang nhiều ý tưởng . Vẽ tranh đôi khi không cần kĩ thuật, mà quan trọng là ý tưởng . Tôi còn nhớ thầy H nói với tôi như thế . Tôi còn nhớ giải nhì mỗi giải được $5 đồng Mã Lai và gói quà gồm truyện tranh, tập và viết . Cái lần đó là kĩ niệm vô cùng sâu sắc đối với tôi . Tôi nhớ như in cái cảm giác được ngồi tự do vẽ, được thầy cô ủng hộ, cho những lời nhận xét khi xem tranh, được những tiếng khen thán phục từ bạn bè đồng lứa ở AC. Cái trãi nghiệm đó như là cái mà người ta gọi là "3 phút nỗi tiếng" bất chợt rồi tắt mà tôi nhớ mãi .

Thế rồi, tôi bước chân vào đời mang theo những câu nói của bố tôi "Vẽ vời thì lấy gì mà ăn ." Nó thành cái nỗi ám ảnh sâu đậm trong tiềm thức . Tôi có đủ lý do để hờn và trách bố tôi . Nhưng, hơn cái gì hết, tôi biết sự hờn trách đó rồi sẽ tìm đường quay ngược và chỉa vào chính tôi, vào chính sự nhu nhược và thiếu tự tin của mình . Có thể đam mê mình không đủ lớn để vượt qua nỗi ám ảnh . Có thể bấy lâu nay nỗi ám ảnh đó chỉ là 1 lý do ngụy biện, 1 cái cớ để tôi không phải vươn mình vượt qua chính mình, vượt qua những đường ranh giới tiện nghi . Có thể tôi đã chạy trốn đam mê của chính mình ? Có thể lắm ... hiểu được chính mình không phải là chuyện dễ ... ba mươi mấy năm mà tôi vẫn còn chưa hiểu hết được .

Pensee

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2010

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2010

Hẹn Hò

::: Phạm Duy :::

Hẹn Hò
1954
Một người ngồi bên kia sông
im nghe nước chảy về đâu
Một người ngồi đây
trông hoa trôi theo nước chảy phương nào

Một người bèn ra ven sông
buông theo nước cuồn cuộn mau
Một người chìm sâu
trong khi mưa Ngâu bỗng ngừng ngang đầu
.....

con Bướm

Tôi lớn lên ở 1 vùng quê, không có nắng thiêu da, không có cát bay ngập trời, nhưng cũng có những cuộc đời cứ mãi quay mòng mòng trong những sự bại liệt bế tắc .


Nó tên là con Bướm . Người ta gọi nó là Bướm Bà . Chẳng hiểu tại sao . Có lẻ vì da nó đen . Nó thì gặp ai cũng nhe hàm răng đen thui ra cười . Cười như thể một gáo nước lạnh tạt thẳng vào người đối diện đang nhìn nó với những phán xét . Lòng người tuy chật nhưng lại rất rộng rãi cho những sự dèm pha về người khác . Đời vốn là thế . Và có lẻ con Bướm nó cũng vốn biết thế . Cặp mắt thông minh của nó tố cáo điều đó .

Nó sinh năm 1979. Bốn năm sau ngày ông dượng Chín - là ba nó đi học tập cải tạo . Con nít cả xóm tôi chưa đứa nào trông thấy mặt ông dượng Chín ra sao . Mà con nít thì đứa nào thèm để ý về những người khuất mặt và những câu chuyện khuất mặt để làm gì . Trừ những người lớn . Người lớn thì hay thích phân tích và mỗ xẽ, đôi khi những mỗ xẽ làm chết con người ta với những lý lẽ rất hợp lý và rất khoa học: "Ba nó đi năm 76 làm sao có nó ?" "Má nó đi buôn ở chợ gặp bao nhiêu là phường" "Mấy tay công an phường số 4 hay rà rà ở khu đó" "khuôn mặt nó nhìn thẳng, nhìn ngang gì cũng không giống ba/má anh em đứa nào hết" .... vân vân và vân vân .

Phải, chỉ cần người đàn bà gật nhẹ cái đầu, rồi chỉ cần người đàn ông chạm nhẹ vào người đàn bà, rồi thì chỉ cần 1 trong số 3 triệu cái tinh trùng có tới 24 tiếng đồng hồ nhẫn nha la cà rồi mới gặp cái trứng - là con Bướm hình thành . Nhưng người ta không biết rằng, tổng cộng có tới năm số phận . Năm số phận bị kiệt lụy trong cái vòng xoáy thị phi nghiệt ngã .

Má nó bán chè thập cẩm ở sạp số hai đầu chợ Nhỏ . Tinh mơ 4 giờ sáng người ta đã thấy bốn má con (má nó, hai thằng anh nó và nó) lục đục đẩy xe ra chợ . Trưa trưa người ta lại thấy nó xách mấy xâu cải chua người ta bán tháo với khuôn mặt hí hửng tung tăng về nhà . Hỏi: "Ê bướm, ăn cải nữa hả ?" Đáp: "Dạ, hôm nay nhà em được ăn cơm với cải . Không phải ăn muối ." Ngoài giờ học, hai thằng anh nó vác theo cái bao giấy đựng xi măng cũ men theo hai cái ống cống dọc con dốc, mắt láo liên, tay khều khều dưới những kẽ đá . Chẳng biết tụi nó lượm được gì chứa trong cái bao ấy . Thế là người ta đóng cửa . Đề phòng . Khép lòng, khép dạ .

Má con nó hiền lắm . Hiền hơn bột . Hiền hơn đất . Nếu thế gian có Phật hay Bụt hiện hữu, chắc sẽ dễ dàng hơn cho việc so sánh . Người ta nguýt, người ta nói xa nói gần, nói bóng gió xỏ xiên . Má nó cúi đầu . Hai thằng anh lẻo đẻo theo sau . Nó vẫn cười nhe hàm răng đen . Cam chịu .

Ngày nó khoảng năm tuổi thì ba nó về . Nó đi lên rừng nhặt củi . Tay ôm chặt bó củi khô, nó la cà ven xóm, gặp đứa nào, nó cũng khoe: "Ba tao về ."

Dĩ nhiên, nó có toàn quyền hãnh diện . Con nít trong xóm tò mò xúm lại theo nó về nhà . Ba nó ngồi trong nhà với nụ cười tươi . Da đen bóng . "Ồ, thì ra nó thật giống ba nó ." Con nít xầm xồ . Người lớn bĩu môi: "Giống đâu mà giống ." "Ổng về nuôi con người ta đó"

Ba nó nghe rồi im lặng . Ngày ngày năm bóng người vẫn lầm lũi đẩy chiếc xe chè qua xóm . Sáng đi rồi tối lại về . Lặng lờ như những chiếc bóng .

Pensee

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Thung lũng Đồng Giang

Từ thung lũng này tin báo anh sẽ lên đường
Người sẽ nhớ vầng mắt sáng, môi tươi say
Tiếc thương khi anh mang cùng mầu nắng trên tay
đã một thời làm rực sáng lối đi này.

Nào hãy đến yên bên tôi nếu đã yêu rồi
Đừng vội vã chào từ giã tôi đi mau
Chớ nên quên thung lũng này dòng sông đỏ sâu
Và một người yêu anh mãi phút yêu đầu.

Rồi anh sẽ hết nhớ đến thung lũng sâu này?
Dòng sông đỏ buồn đơn lẽ trong cô liêu
Sẽ mang theo câu chuyện tình cùng người dấu yêu
Đã một lần cùng thời gian đứng trông chiều.

Chuyện vắn chuyện dài

Hôm trước, anh P - người anh cùng nhóm vượt biên với tôi năm xưa - tìm tôi trên FB, và sau đó giới thiệu tôi gia nhập nhóm thiếu nhi cũ . Tiếp theo đó là thư mời nối kết từ những người bạn - có người tôi còn nhớ, có người tôi đã quên, có người chỉ gặp thoáng qua 1 lần với 1 ấn tượng mờ nhạt, có nhiều người chẳng nhớ tôi là ai . Hai mươi hai năm rồi còn gì .

Những tấm hình cũ được dán lên kèm những dòng nhắn qua lại như những cánh cửa sổ đưa chúng tôi về vùng trời ngày ấy, cái thời mái đầu ai cũng hung hung một màu nắng và khen khét cái mùi gió biển Mã Lai . Có những kĩ niệm tôi nhớ như in, tưởng chừng như một giấc mơ còn in đậm nét từ giấc ngủ đêm qua - và thời gian trở thành cái gì đó mơ hồ, không thật .

Tôi thức đến hai giờ sáng để cập nhật qua những trang hình - cũ & mới - của đoàn và của những cá nhân . Có thể bấy giờ ở những góc nào đó của quả địa cầu - Úc, Bắc Âu, Canada, hoặc một nơi nào đó - những người bạn trong friendlist này cũng như tôi đang ngồi trùm mền bó gối, tay nhấn con chuột với sự mong ngóng tìm tòi . Cái con bé Ấu nhi ngày ấy hay đi ngang qua building tôi ở, miệng cười xinh xinh, giờ đây đã hai đứa con với khuôn mặt đẩy đà của một bà mẹ tần tảo . Cái thằng T láu cá ngày ấy hay chạy theo tôi và con L để hớt chuyện bây giờ cũng 1, 2 ... 3 con rồi . Anh Đ vào xem hình tôi và để lại comments ở hầu hết mọi tấm hình . Chắc anh cũng như tôi, cảm xúc dâng cao quá .

Làm sao cảm xúc không đầy cho được . Những bài hát sinh hoạt bổng bừng bừng vang lên trong đầu: "Yêu thương nhau, yêu thương mãi vì chúng ta đều là anh em cùng một nhà . Yêu thương nhau, yêu thương mãi vì chúng ta đều là anh em cùng một cha ..." Đấy là lời hát cuối cùng khi chúng tôi đan tay trong tay nhau đưa tiển ở cầu Jetty .

Hai mươi hai năm trôi qua . Giờ đây nơi xứ người, mái đầu đã thưa bớt tóc, cánh tay đã đẫy đà, khuôn mặt đã hằn dấu lo toan . Chiều dài lịch sử của Việt Nam có nhiều thế hệ đặc sắc . Thế hệ của chúng tôi chìm ẩn trong màn sương dày đặc . Chúng tôi là thế hệ sống còn . Những cọng rau muống được nẫy sinh từ những vũng bùn của một khu đất bị phá bỏ . Chúng tôi sống còn từ những ám ảnh của tiếng bom đạn vọng về từ hôm qua . Chúng tôi sống còn từ những chén nước gạo loãng để tập đứng tập đi . Chúng tôi sống còn từ những khóe mắt sâu thẳm của mẹ . Chúng tôi sống còn từ những bài học vỡ lòng a bờ cờ dờ đờ - ngờ i nghi - ngờ ơ ngơ huyền ngờ . Chúng tôi sống còn từ những cuộc chạy trốn - những chuyến vượt biên - và trở thành huyền thoại của những câu chuyện kể nơi quê nhà . Chúng tôi cùng xách chiếc giỏ nhựa của hội Hồng Thập Tự, chân đi dép lào, mình khoác chiếc áo t-shirt màu xanh nước biển, tay chào, bùi ngùi trong lời ca chia tay đầy chất tình tự của đôi lứa yêu nhau:

Gần bối rối biên giới từ lòng đau
Giờ này
Còn cầm tay, cầm chắc mối duyên bẽ bàng . Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng .

Chúng tôi ngày đó chưa được phép vào cuộc yêu đương trai gái . Luật của thiếu nhi là thế .

Chúng tôi tẽ nhánh mỗi người mỗi ngã về phía các chân trời . Có chân trời màu hồng . Có chân trời màu xám . Hội nhập . Lạc lõng . Nhớ . Quên . Chạy . Té . Chết . Sống . Nước mắt . Đoàn tụ . Mập . Già . Em bé . Mẹ . Cha . Nặng .

Chúng tôi sống còn . Chẳng đứa nào bước cao bước xa hơn đứa nào . Cái bức rào tâm lý của thế hệ cản chân chúng tôi lại ở một giới hạn nhất định, rồi, nó cũng là chiếc nơ màu đỏ thắt chặt chúng tôi lại với nhau hôm nay . Khi những tín hiệu morse đã mờ nhạt trong kí ức . Khi không còn khả năng phất simaphore để đứa đầu bên kia cầu có thể nhận ra và chạy đi tìm chướng ngại vật . Đời có vô số những chướng ngại vật . Tình đoàn kết, yêu thương, đồng đội đã trở thành xa sĩ phẩm khi ta bước trong cuộc hành trình bằng những lối đi riêng đầy cam go và giành giật . Ngày xưa, đội nào không giải được mật thư, hoặc chậm chạp, sẽ không đoạt được cờ danh dự . Ngày nay danh dự đã trở thành một danh từ trừu tượng chỉ dùng để ghi chú dưới đáy cuốn album hình .
Vậy đó, chúng tôi đã sống còn . Tất cả những điều còn lại nằm ở thì tương lai .
Pensee