Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008

Sắc Mầu trong tim


Hần, cái tên nghe lạ, nhưng đối với khu xóm nhỏ này không ai là không quen thuộc với nó. Ngày cậu, chủ nhân của cái tên Hần, chào đời được 1 tuần, mẹ cậu quyết định gói cậu vào một chiếc áo đã cũ nát mầu xanh bạc, và đem cậu để trước cổng một ngôi nhà ở khu phố bên cạnh, với một chử viết nguệch ngoạc duy nhất trên tờ giấy thô học trò: "Hận!" Mẹ cậu vừa đi được dăm bước, cậu òa lên khóc. Mẹ đắn đo một lúc trong lòng, rồi chạy lại ôm cậu. Hai mẹ con trở về lại khu xóm lao động giữa bóng đêm lung linh mầu xanh thẳm và trên bầu trời lấp lánh ngàn vì sao kim cương.

- Hôm nay được nhiều ve chai không nhóc?
- Dạ, được nữa bao nè anh.

Mỗi chiều về ngang đầu hẻm, anh Thành Cồ hay chạy ra vuốt tóc và hỏi Hần như thế, và cậu luôn luôn chìa ra cho anh xem sự may mắn của mình.

- À, em lượm được cái này, tặng anh.

Vừa nói Hần vừa lôi trong bọc ra con dao phay đã cùn lưỡi.

- Cha, ngon lành quá ta .

Anh Thành Cồ là một người thợ hàn siêng năng và khéo tay. Anh có thể uốn nắn một thanh sắt xấu xí thành một con dao đầy kĩ thuật tinh vi . Sở thích của anh là chế các kiểu dao theo những hình dáng khác nhau, và khắc lên đó những chử có ý nghĩa mà anh tâm đắc, ví dụ như: Nhẫn, Trung, Hiếu, Dũng v.v.... Anh có nguyên một bộ sưu tập các kiểu dao do anh thiết kế và chế tạo .

Cầm con dao xoay xoay như người kiếm sĩ múa kiếm, anh cười hồ hởi:

- Để anh đem mài rồi anh em mình cùng khắc nó nhen .

- Dạ, em về nhen.

Qua khỏi lò rèn của anh Thành Cồ là gặp bác Năm Còi ở ngã ba hẻm . Bất kể trời nắng hay trời mưa, không ngày nào không thấy bóng bác ngồi thu lu ở trước hiên tiệm tạp hóa của bà Ba Lửa. Bác Năm Còi làm nghề vá bánh xe . Bác hành nghề ở đây đã rất lâu, lâu hơn cái ngôi nhà cũ nhất ở con hẻm này . Thời đó bác từ dưới quê chân ướt chân ráo lên tỉnh và may mắn được truyền nghề về vỏ xe từ một vị sư phụ . Bác hay có thói quen vừa kể chuyện về đời mình vừa đôi tay tỉ mỉ lau sạch những mảnh cao su đen trong chiếc hộp sắt . Thỉnh thoảng bác còn đưa lên mủi hửi hửi như để kiểm tra chất lượng từng miếng .

- Mình phải yêu nghề lao động chân chính con ơi. Sửa bánh xe cũng phải có tay nghề vững và cần phải có đạo đức nghề nghiệp.

Vừa nói bác vừa chìa cái ruột xe còn ướt.

- Coi nè, hai cái lổ này có nguy cơ bị lủng mà không để ý là không biết đâu. Để chạy mấy bửa là khách phải mất công đem ra vá lại.

Nói rồi bác mân mê lau khô chổ ruột bánh xe, và tỉ mỉ chà giấy nhám lên chổ thủng, rồi dán keo, rồi ủi. Bác đăm chiêu làm việc như một con ong chăm chỉ hút mật.

Hần lôi trong bao ra một chiếc hộp quẹt ga bằng nhựa màu xanh nước biển.

- Có cái này cho bác nè. Con lượm ở góc đường đó.

Bác cười rạng rỡ đưa chiếc hộp quẹt lên ngang mắt vừa súyt xoa.

- Cái này còn mới chang, chắc của mấy thằng xì ke đây . Cám ơn con.

Bác cẩn thận cất chiếc hộp quẹt vô chiếc hộp đồ nghề bằng gỗ, trong đó đã chứa vô số những chiếc hộp quẹt cũ đầy mầu sắc và kích thước khác nhau . Bác Năm Còi không phải là dân nghiện hút thuốc lá, nhưng từ ngày Hần đi nhặt ve chai, bác đã có thói quen sưu tập vô số những hộp quẹt ga cũ . Trong những lúc trời mưa hoặt rảnh rổi không có khách, bác lôi chúng ra, châm một điếu thuốc lá, suy nghĩ về cuộc đời của từng cái hộp quẹt đã qua tay từng người chủ và chợt khẻ mỉm cười.

- Thôi con về nhe.

Nói chưa hết câu, cậu đã chạy như bay về nhà ở cuối con hẻm. Nhà tối om. Khu xóm hôm nay không có điện. Giọng ông Tư Đờn lanh lảnh vọng ra.

Từ là từ phu tướng,
Bảo kiếm sắc phong lên đàng....ang...

Ông nằm trên chiếc giường trong góc phòng. Thỉnh thoảng, tay ông vỗ vỗ đập đập vài con muỗi. Ông bà Tư Đờn là láng giềng chia chung một căn nhà trọ với mẹ con Hần . Ông bà Tư đã ở với mẹ con Hần từ cái ngày cậu vừa mới sinh. Có lần Hần hỏi ông:

- Tên con có nghĩa là gì? Tại sao mẹ đặt là Hần?
- À... Hồi đó mẹ mày đặt là Hận, ai dè người ta viết sai lổi chính tả, thành ra Hần. - Rồi ông vuốt mép - Hần, nghe cũng hay!

Trong một lần bệnh nặng, ông đã bị tê liệt hai đôi chân, và từ đó, chỉ có thể nằm một chổ . Hàng ngày, bà Tư ôm chiếc rổ đi khắp các ngõ ngách phố phường để kiếm sống. Bà rao bán những vật dụng linh tinh, từ thuốc nhức răng cho đến thuốc trừ gián, và từ chiếc kim khâu áo cho đến chiếc bao cao su dành cho người lớn . Bà siêng năng làm việc từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt mới về.

Bước vào nhà, Hần lò dò đến giường và đặt vào tay ông Tư một chiếc tẩu thuốc bằng gổ.

- Coi con lượm được cái gì cho ông Tư nè?

- Cha mày. Cái tẩu thuốc chớ đâu. Ông Tư mày cái gì hỏng biết.

Nói rồi ông cười hà hà và giựt lấy cái tẩu thuốc. Ông xoay xoay nó trong bóng tối, rồi nỡ một nụ cười rơm rớm nước mắt.

- Hồi còn trai tráng, ông Tư mày cũng ngậm cái tẩu như vầy ngon lành lắm nghen con .

Ông Tư vung vung cái tẩu như kiểu một công tử nhà giàu đang thời oanh liệt. Rồi ông cao hứng hát tiếp:

Năm canh mơ màng.
Em luống trông tin chàng... àang...

Hần để ông Tư nằm chơi với cái tẩu thuốc. Cậu lại bếp nhóm lửa và bắt nồi cơm cho hai mẹ con cậu và ông bà Tư Đờn.

Ăn tối xong, đêm đã khuya, có lẽ đêm nay mẹ lại không về. Cậu thấy thương mẹ quá khi hình dung hình ảnh của bà dưới những ánh đèn đêm bận rộn và ồn ào. Cậu ước gì... ước gì nhỉ? À... ước được mau lớn để kiếm được nhiều tiền cho mẹ. Rồi cậu mỉm cười khi nghĩ tới sáng mai, khi mẹ đi làm về, sẽ ôm cậu vào lòng và cho cậu một món quà nho nhỏ. Mỗi lần làm việc qua đêm, mẹ cậu đều mang cho cậu một món quà như thế . Nhắm mắt lại, cậu cảm thấy một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đang tràn ngập và ru cậu vào giấc mơ.

Trong giấc mơ, cậu thấy những bông hoa đang nở rộ ở cánh đồng. Cậu thấy chú chó bông nhà anh Thành quấn quít chạy theo chủ . Cậu thấy nước trong dòng sông chảy ngang thành phố màu trắng trong veo. Cậu thấy những chú chim bay trên bầu trời, những chú cá bơi lội tung tăng dưới nước. Nụ cười và vòng tay ấm áp của mẹ. Tất cả những gì hiện hửu trong giấc mơ của cậu đều mang một màu xám nguyên thủy . Nhưng khác với một người bình thường, cậu cảm nhận được nồng độ ấm áp của thế giới không màu sắc.

- Thức dậy, coi mẹ kiếm được cái gì cho con nè?

Dần mở mắt ra và trước mặt cậu là một chiếc túi ni lông mẹ đã đặt ở đấy tự bao giờ . Cậu hồi hộp mở chiếc túi và thấy vô số những chiếc lọ ống nhỏ và một cây cọ vẽ đã cũ sờn. Mẹ giải thích:

- Mẹ làm việc gần nhà ông họa sĩ, và ổng nhờ mẹ gởi cho con đó.

Cậu lôi những típ màu và chiếc cọ ra và bắt đầu vẽ. Từ nhỏ, cậu đã rất thích vẽ. Ở đâu có viên phấn hoặc cây bút chì là cậu sẽ cắm đầu xuống vẽ. Cậu ham vẽ đến nỗi cậu có thể quên ăn, quên ngủ và quên bất cứ mọi thứ gì xảy ra trên đời. Thế nhưng, cậu chưa từng một lần biết tô màu. Từ khi sinh ra, cậu đã bị chứng mù màu .

Mỗi ngày, cậu đi qua bao con phố để lượm những mảnh nhựa ve chai, nhìn những khuôn mặt, và thu thập rất nhiều những vật thể đầy màu sắc. Thế nhưng cậu không thể phân biệt được cá nhân mỗi vật thể mang màu sắc gì. Cậu chỉ có thể cảm nhận được nồng độ ấm áp từ trạng thái và hình thù của chúng .

Hơn một cậu bé bình thường, Hần biết nhận diện màu sắc từ trái tim . Từ anh Thành Cồ, cậu cảm nhận được mầu vàng của sự hăng say và sáng tạo. Từ bác Năm Còi, cậu cảm nhận được mầu lục của đam mê và cống hiến. Từ ông Tư Đờn, cậu cảm nhận được mầu xanh của hy vọng và lạc quan. Từ mẹ, cậu cảm nhận được màu đỏ nóng ấm tình mẩu tử.

Cậu dùng cọ pha lẫn hai màu đen trắng, mầu nguyên thủy trong mắt cậu, rồi vẽ lên khung hình những bức chân dung trong cuộc sống.

Mẹ nói:

- Mẹ đánh dấu phân biệt màu giúp con nhe . Màu đỏ là mầu của hoa hồng đỏ, mầu lục là mầu của lá cây, mầu vàng là mầu của hoa bí và những chú bướm, mầu xanh dương là mầu của bầu trời và biển cả.

- Vậy còn mầu "hận" là mầu gì hả mẹ?

Câu hỏi bất chợt của cậu làm mẹ bối rối. Nhưng rồi mẹ ôm cậu vào lòng và trả lời:

- Hận không có mầu sắc con à.

Rồi mắt bà trầm ngâm:

- Mầu sắc chỉ ở trong con tim biết yêu thương và tha thứ .


Pensee