Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2011

Chiếc bóng

Tình cờ đọc cái tin đứa con trai [lỡ tay] bóp cổ bà mẹ chết không khỏi khiến tôi suy nghĩ về anh tôi .

Anh ra đời dưới một ngôi sao rất đẹp . Ông linh mục chấm lá tử vi cho anh phán như thế . Đường trí đạo sâu và đậm cắt ngang giữa hai lòng bàn tay . Nó thông minh lắm . Ông nội tôi phán như thế . Rồi ông đặt cho anh một cái tên sáng ngời để cho cân xứng với vầng trán cao của anh . Mọi người ước đoán rồi đây anh sẽ có ít nhất danh gì đó rạng với núi sông .

Từ nhỏ năm nào anh cũng đoạt bằng khen học sinh giỏi . Bốn năm liền anh đại diện trường đi thi và đoạt giải nhất toán toàn tỉnh . Anh được kết nạp làm đoàn viên . Dạo đó cô giáo phụ trách liên đoàn có ghé nhà tôi vài lần để nói chuyện với bố tôi về việc kết nạp anh vào đảng . Hình như năm đó anh học lớp 9 . Bố tôi không phản đối, cũng không đồng tình . Thế rồi bố chạy chọt làm giấy tờ cho anh đi du học Đông Đức . Gần tới ngày đi, anh về Sài Gòn, thì ông cậu họ kéo anh đi theo xuống tàu vượt biên . Thế là anh đến Mỹ .

Trong họ hàng nhà tôi, mỗi gia đình thường có một đứa xuất sắc nhất để mỗi khi nhắc đến nhà nào thì người ta sẽ chỉ nhắc đến cái đứa xuất sắc nhất để trầm trồ khen ngợi trong các bửa tiệc và để làm chuẩn mực so đo để con cái họ cảm thấy cần phải ganh đua . Anh là cái đứa được nổi tiếng bất đắc dĩ ấy .

Là đứa con trai hiếm hoi trong một gia đình toàn gái, có thể nói mọi kì vọng bố tôi đều dành đổ trọn vào anh . Tuy không nói ra, nhưng những việc bố tôi làm đều bày tỏ những kì vọng ấy . Học hết lớp 11, anh quyết định nghĩ học . Anh dặn mọi người không ai được nói cho bố tôi biết . "Đi học chán lắm . Chẳng thấy hứng thú gì!" 17 tuổi, anh đi làm . Anh sắm xe . Anh sắm TV 60 inches để thay thế cái TV cũ kĩ 20 inches . Anh sắm giàn máy hát với âm thanh tuyệt hảo nhất thời đó . Hai năm sau, tôi tốt nghiệp trung học . Anh nói, "xong trung học thì lên đại học lo học đi, không cần phải đi làm . Anh nuôi!" Tánh anh nói là làm . Anh mua cho tôi 1 chiếc xe, mua luôn bảo hiểm, thay dầu/nhớt theo định kì, đổ xăng ... Ngoài lái xe ra tôi chẳng biết làm gì cả .

Anh mê chụp hình . Mê đến nỗi căn nhà anh có riêng 1 phòng studio để dụng cụ chụp, chưng hình, và 1 phòng tối để rửa hình . Phòng ngủ của anh chất đầy sách báo và tài liệu nhiếp ảnh . Người quen đám cưới, anh chụp hình studio tặng họ . Làm không công . Vậy mà anh tỉ mỉ từng ly từng nét . Ánh sáng, màu sắc, bố cục . Không thể để một lỗi nào . Anh cũng gởi tác phẩm đi dự thi . Cũng đoạt giải . Chẳng để làm gì . Chơi thôi . Có người hỏi, tại sao anh không làm nghề nhiếp ảnh ? Anh cười, "dính vô tiền, chẳng còn hứng"

Thế rồi một ngày tôi bỏ nhà đi xa để tự lập . Bố tôi cũng nghe phong phanh về việc anh bỏ học . Ông không trách móc, nhưng ông bệnh liệt giường . Anh lật đật trở lại thi cái GED lấy bằng trung học, rồi vào đại học . Bố gởi tiền qua nói anh phải đi học, nếu không thì bố gởi tiền qua nuôi . "Qua đến Mỹ không đi học thì thà ở VN làm rẫy với bố ." Giọng nói chua chát của bố nghe mà nhột tận ruột . Anh học thoắt một cái rồi cũng hoàn tất . Những tưởng anh sẽ nhận làm việc cho 1 hãng nào đó, sống 1 đời sống bình thường có vợ sinh con . Nhưng không, anh nói anh không thích hợp đời sống một ngày 9 giờ đến 5 giờ trong chiếc hộp công sở . Cái bằng này anh lấy tặng bố . Anh đăng kí đi quân đội . Bố nghe được tin nhíu đôi mày vốn đã hằn ba đường sâu hoắm . "Bố phải chấp nhận con như thế thôi". Mẹ thở dài an ủi .

Anh tòng quân qua bắc Âu và làm việc 8 năm ở phòng kĩ thuật . Cuối tuần, anh xách cái máy ảnh dạo mòn các ga xe lửa, các thị trấn, tòa lâu đài cổ, chợ rong, ... để ghi lại những bức chân dung đời thường . Thỉnh thoảng, những tấm ảnh xúc tích từ một chân trời nào đó rơi tỏm vào mailbox của những người thân của anh .

Hết hạn lính, anh trở về . Gom số tiền ki cóp, anh mua một mảnh đất làm nông trại chăn gia súc . "nghề này vốn nghiệp cha ông!" Anh đùa . Anh lập hệ thống vi tính hóa nông trại . Ngày ngày ngồi uống cà phê, bấm nút điều khiển . Có thể nói anh là người nông dân VN không phải cầm cuốc, cầm xẻng .

Anh đã thật sự đạp đổ tất cả kì vọng và những chiếc bóng để bước đi trên con đường do chính mình chọn . Cha mẹ VN thường hay vướng phải cái lỗi lầm to lớn là áp đặt cái bóng mình xuống trên con cái . Nhưng, điều đó không đáng tiếc bằng thế hệ con cái không đủ bản lỉnh và tự tin để nói "không" và tự vạch con đường cho riêng mình .

Giờ đây, trong cương vị làm mẹ, có lẻ tôi không lo lắng về việc làm sao để dậy con trai tôi biết vâng lời tôi, mà trái lại, tôi sẽ quan tâm làm sao để con tôi có đủ nghị lực để nói với tôi rằng, "mẹ ơi, mẹ sai rồi ." và đàng sau câu nói ấy sẽ là con đường nó tự biết chọn sẳn cho riêng nó . Cũng như anh tôi .

Pensee