Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008

Người hành khách chuyến tàu 7 giờ sáng

Năm đó tôi vừa dọn về thành phố Sunnyvale, thành phố của ngành kĩ nghệ thông tin, và đặc biệt cũng là nhà của mạng Yahoo! mà đa số chúng ta bấm vào mỗi ngày ít nhất 1 lần . Tuy ở Sunnyvale, nhưng tôi lại phải di chuyễn gần 1 tiếng đồng hồ để đến nơi làm việc ở San Francisco. Công việc của tôi là lập trình cho một bộ phận thuộc chi nhánh của Lycos nằm hơi gần trung tâm Metreon. Vì nhà cửa ở SF mắc mỏ và vì để tìm những khoảng trống yên tịnh, nên tôi quyết định tạm cư ở Sunnyvale, và mỗi ngày theo chuyến tàu sớm để vào thành phố.

Vì đã quen với nếp sống cũ ở miền Đông, thế nên mỗi sáng tôi đều có mặt ở trạm caltrain nằm trên đường Evelyn vào trước 7 giờ sáng, đó là giờ chuyến tàu 210 sẽ chạy ngang qua. Từ Sunnyvale đến SF, tàu sẽ dừng chân ở 8 trạm, mỗi trạm khoảng 3-5 phút, để đón hành khách trước khi dừng chân ở trạm cuối cùng ở đường số 3, là trạm của tôi. Sau đó tôi sẽ đi bộ băng qua thêm một ngã tư . Tổng cộng cuộc hành trình kéo dài khoảng 1 tiếng đồng hồ .

Tôi thường chọn ngồi ở những khoang tàu nằm cuối. Vào giờ ấy thì những khoang tàu còn rất vắng. Hành khách chỉ vài ba người. Có người ngồi uống cà phê đọc báo. Có người ngồi gật gù dỗ tiếp giấc ngủ còn đang dỡ dang. Cũng như sắc thái của những thành phố mà đoàn tàu đi qua mỗi ngày, hành khách của nó cũng thuộc đủ mọi thành phần, hoàn cảnh và sắc tộc. Có người tôi gặp thường xuyên mỗi ngày. Có người tôi chỉ gặp một lần rồi không bao giờ gặp lại nữa. Có ông Mỹ trắng nhìn oai phong bệ vệ trong bộ áo và nơ cài cổ và chiếc cặp da đắt tiền. Có ông mỹ da màu râu ria quần áo xộc xệch, cả chiếc mũ đội đầu cũng rách bươm. Có những anh Mễ đi với nhau từng tốp 2, 3 người. Có lẽ họ cũng đến một điểm nào đó để ngồi đấy đợi xem có ai đến thuê làm những việc cực nhọc tay chân như số đông di dân Mễ tôi thường thấy ở những góc đường.

Một hôm, xuất hiện 1 người hành khách Á đông tuổi trạc 25-26, mặc áo chiếc áo gió màu xanh lá cây rộng thùng thình và trên đầu đội chiếc mũ nĩ có hai vành tai phủ xuống mớ tóc bù xù dài đến vai. Sau khi mọi người ổn định chổ ngồi, anh ta bước đến ngồi xuống dãy ghế cạnh tôi. Câu đầu tiên anh ta hỏi tôi là:

- Vietnamese?

Rồi anh ta chỉ cái pin đeo trên chiếc túi đeo vai bằng vải dù của tôi. Cái pin bằng kim loại màu vàng có cái logo mang hai chữ "Việt Nam" viết theo kiểu chử italic. Tôi cười và gật đầu. Anh ta hỏi tiếp:

- Giỏ này chị mua ở Việt Nam à, xinh nhề.

Tôi lắc đầu:

- Giỏ này không phải ở VN. Cái pin này tôi mua ở Santa Cruz.

Thấy anh ta có vẽ quyến luyến cái pin, tôi cho anh ta biết chổ tôi đã mua, rồi sau đó nhanh chóng kết thúc cuộc đối thoại để trở lại tờ báo tôi đang đọc dỡ. Có lẽ một phần vì cá tính khép kín, một phần do ảnh hưởng của văn hóa Mỹ, tôi ít khi thích trò chuyện với những người lạ mặt. Có những người tôi gặp hàng ngày, ngồi cùng 1 toa tàu, và cùng chung một hàng ghế, nhưng chúng tôi vẫn mạnh ai chú tâm vào chuyện người đó. Ở xã hội này tuy là đời sống bận rộn theo guồng máy văn hóa quảng cáo và thương mại và nó đòi hỏi sự giao tiếp cao, nhưng con người đến với nhau chỉ trong một mức giới hạn và ở một phạm vi nhất định.  Bạn sẽ khó có khi nào bắt gặp 2 ông ngồi bàn chuyện quốc sự hoặc là 2 bà ngồi than thở chuyện chồng con gia cảnh trên toa tàu.  Mọi người lẳng lặng trong thế giới của riêng họ cũng là một cách để tôn trọng thế giới riêng tư của người khác.

Nhưng khoảng yên lặng đó không giữ được bao lâu. Anh chàng ngáp dài vài cái rồi quay qua ngó vào tờ báo tôi đang đọc và hỏi:

- Ngày nào chị cũng đu tàu này à?

Tôi bật cười với câu hỏi của anh ta. Chữ "đu" tàu tôi chưa nghe bao giờ. Tôi gật đầu. Anh ta hỏi tiếp:

- Chị sang đây lâu chưa?

Xem bộ anh ta rất thích được nói chuyện và không thể ngồi yên một chổ. Và cũng xem bộ anh làm cho tôi để ý đến cách anh dùng từ ngữ của anh hơn. Tôi trả lời và hỏi lại:

- Chưa lâu lắm, vài ba năm thôi. Còn anh?

Anh ta bắt đầu được dịp nói:

- Mình qua được 2 năm. Trước giờ làm ở dưới này. Hôm nọ có người quen giới thiệu ở cái nhà hàng xyz ở San Mateo. Hôm nay là ngày đầu tiên.

Rồi anh cứ tiếp tục nói thao thao nhiều điều nữa. Có lẽ anh thuộc loại người rất thích bày tỏ và rất thích giao tiếp. Tôi ừ hử rồi lại dán mắt vào tờ báo.  Nếu là một người bình thường khác thì họ sẽ không nói chuyện với tôi nữa vì cảm thấy bị xúc phạm bởi cữ chỉ mất lịch sự của tôi. Nhưng anh ta ngưng một chút, rồi dán mắt vào tờ báo và hỏi tôi:

- Chị đang đọc gì đấy?

- Đọc báo đại loại vậy thôi.

- Chị hay nhỉ!

Tôi súyt bật cười với lời nhận xét của anh. Bình thường có lẽ tôi sẽ nghĩ anh đang mĩa mai tôi. Nhưng khuôn mặt anh trông ngơ ngơ. Có lẽ anh nghĩ tôi hay thật sự. Tôi quyết định quay qua tiếp chuyện anh như 1 sự tỏ lòng cảm ơn.

- Hay cái gì?

- Thì chị đọc tiếng Mỹ đấy.

À. Tôi định chọc anh là tôi chỉ coi hình thôi chứ tôi đâu có đọc. Nhưng bây giờ tôi mới bắt đầu thấy ở anh có những điều gì đó rất chân thật từ cách nói chuyện hơi cộc cộc . Điều thứ nhất là anh chắc chắn lớn hơn hoặc bằng tuổi tôi. Vã lại nhìn mặt tôi cũng non choẹt, thế mà anh gọi tôi bằng "chị" đó là một phép lịch sự mà tôi ít khi gặp. Điều thứ hai là anh nói giọng bắc rất đặc. Cái giọng bắc y như của họ hàng bên phía mẹ tôi di cư vào nam sau này. Điều tôi thắc mắc là anh đến Mỹ theo trường hợp nào?  Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng qua đầu và tôi cũng chẳng hỏi anh.  Tôi không thích hỏi người khác bất cứ câu hỏi nào thuộc phạm vi đời tư của họ, vì tôi không muốn phải trả lời họ về đời tư của tôi.  Điểm đặc biệt ở anh là cũng cùng những câu hỏi và cách nói chuyện tới tấp ấy, nhưng sự quấy rầy của anh rất vô tư khiến dần dà tôi không còn cảm giác bị quấy rầy nữa . Lâu lâu anh hỏi tôi một câu, tôi trả lời và hỏi lại, và thế là anh nói tràng giang đại hải.

Anh nói về đời sống của anh.  Anh đang ở thuê phòng với 2 vợ chồng đã lớn tuổi. Mỗi tháng anh trả tiền nhà 3 trăm USD.  Thỉnh thoảng họ nấu nướng vài món gì đó và cho anh ăn chung. Còn đa số anh ăn ở nhà hàng nơi anh làm phụ bếp. Hai năm ở Mỹ, anh đã làm qua rất nhiều nhà hàng và chợ thực phẩm Á Đông.

- Làm ở quầy thịt nguy hiểm lắm chị ạ. Cưa thịt mà không khéo mất tay như chơi ấy. Cái vết này cũng là chiến tích đây.

Vừa nói anh vừa giơ vết sẹo ở bắp tay cho tôi coi.  Tôi rùng mình và nghĩ đến những chiếc máy cưa hoặc những con dao phay mà tôi nhìn thấy ở những gian hàng thịt.

- Vậy làm nhà hàng có khoẻ hơn không?

- Cũng không hẳn là khỏe hơn. Nhưng nghề nào có cái khốn của nghề đấy, phải cực thì mới có tiền.

Rồi câu chuyện của anh kéo dài ngày này qua ngày khác. Ngày nào tôi không đi làm thì hôm sau anh kể chuyện tới tấp có lẽ để bù cho những ngày anh không được dịp nói. Anh nói đủ thứ chuyện trên đời và chẳng chuyện nào giống chuyện nào. Đôi khi chỉ là chuyện kinh tế và thời tiết. Đôi khi có những người thanh niên cỡ tuổi anh ăn mặc lịch sự đang bấm điện thoại hoặc đang dán mắt trên chiếc vi tính xách tay, anh nhìn họ với vẽ ngưỡng mộ. Đôi khi toa tàu băng ngang qua những bãi rác chứa những xác xe máy cũ hoặc vật dụng để recycled, anh chép miệng:

- Xác xe nhiều quá nhề.

Câu nói đó được lập đi lập lại như thể "bao giờ đến lượt tôi liệng một cái xác xe cũ vào trong ấy nhề!"

Một hôm anh lấy trong túi ra một cái bánh giò gói lá. Lấy con dao ra xẽ đôi, anh đưa tôi một nữa.

- Này, ăn đi. Ngon lắm.

Lời mời của anh như một mệnh lệnh chắc nịch. Tôi hơi bỡ ngỡ vì sự hiếu khách của anh. Cảm giác cũng giống như ngày xưa khi tôi mới nhập học ở Mỹ, tôi đã rất bỡ ngỡ vì sự hiện diện rõ rệt của "chủ nghĩa cá nhân" trong cách giao tế của nền văn hóa này, ví dụ như khi ngồi chung với một đám bạn học cùng lớp, mạnh đứa nào đứa nấy lôi ra thức ăn vặt của mình và ăn vô tư không cần phải mời người khác.  Rồi tôi cũng trưởng thành và cảm thấy rất thoải mái được sống trong nền văn hóa ấy, nền văn hóa không quan trọng chuyện chia xẽ, vì đôi khi sự mời mọc cũng có khả năng làm phiền người khác. Huống gì hai người chúng tôi chỉ là bạn đồng hành gặp nhau trên tàu và không mấy thân nhau. Trong cuộc sống mấy ai tin tưởng nhau để tiếp nhận ở nơi nhau một sự tử tế nào đó nhỉ? Nhưng dường như anh không màng về điều đó. Có lẽ anh chưa quen với nền văn hóa này, hoặc có lẽ anh vẫn giữ một đức tính mà từ lâu tôi đã quên mất, đó là đức tính hiếu khách của một loại người dân quê ở VN mà tôi cũng đã từng xuất phát từ nơi ấy.

Có những ngày mưa lâm râm. Mưa lấp phất bay trên những đường rầy. Mưa phủ những cột điện, những hàng cây, con phố. Mưa tạt trên cửa kính những hình ảnh nhạt nhòa. Anh khoanh tay trở nên trầm tư:

- Hôm nay chắc nhà hàng vắng khách hơn đấy.

Rồi anh quay qua tôi và quảng cáo:

- Hôm nào rảnh chị ghé qua ăn. Nhà hàng có món bê nướng vĩ ngon lắm đấy . Cuối tuần chị đến thì hơi đông khách.

- Vậy anh làm nguyên tuần hả?

- Hầu như là vậy. Với lại ở nhà cũng chẳng làm gì.

- Sao anh không đi học đi?

Tôi tưởng câu gợi ý bất thình lình này sẽ nhận được cái lắc đầu, hoặc tiếng thở dài, kế theo sau là 1 loạt những lý do khó khăn anh ta sẽ đưa ra. Nhưng không.  Anh trả lời một cách tự nhiên:

- Chị nói có lý.

Rồi anh ghé mắt nhìn vào máy tính với những dòng syntaxes của tôi và hỏi:

- Mình muốn đi học nhưng không biết bắt đầu từ đâu?

- Anh có bằng tốt nghiệp trung học không?

- Không.

- Vay thì anh phải thi đậu bằng GED, cái này thay thế cho bằng trung học.

Anh mượn tôi cây viết và ghi xuống cặn kẽ những điều cần phải làm. Tôi chỉ anh đến thư viện thành phố để mượn tài liệu.   Rồi anh nhờ tôi mua dùm anh cuốn tự điển Anh-Việt.  Tôi không biết chổ mua, nên cho anh mượn tạm cuốn tự điển màu vàng khổ nhỏ của soạn giả Nguyễn văn khôn. Đây là cuốn tự điển của bố tôi nhờ người quen gởi cho tôi bao nhiêu năm rồi . Cuốn này có lẻ ra đời từ mấy chục năm trước mà rất nhiều từ vựng không được cập nhật hóa . Thấy anh sốt sắng thì tôi chỉ giúp vậy thôi, chứ trong lòng tôi không hoàn toàn tin là anh sẽ chú tâm vào chuyện học.  Từ trường học bước ra trường đời chỉ là 1 bước nhỏ, như từ trường đời trở vào trường học quả là núi đồi gập ghềnh không mấy ai có được sự quyết tâm và bền chí đó .

Ngày qua ngày, chúng tôi vẫn chia chung 1 đoạn đường dài 30 phút từ Sunnyvale đến san Mateo.  Sự quấy rầy ban đầu của anh bổng chốc trở thành thói quen.  Cảm giác nó giống như có người mẹ hay càm ràm bên cạnh, nhưng khi vắng bà thì khoảng không gian bổng trở nên trống vắng.

Một hôm, anh không xuất hiện nữa.  Một ngày, hai ngày ... rồi một tháng, hai tháng, rồi nữa năm.   Dần dà tôi cũng quên mất hẳn anh.   Có một lần cuối tuần ghé qua San Mateo chơi, tôi tò mò tìm đến nhà hàng nơi anh làm việc để ăn thử món bê nướng vĩ xem có ngon như lời anh quảng cáo không, đồng thời xem anh đã ra thế nào.  Lúc tôi đến địa chỉ ở trên góc đường ấy, tòa nhà đã bị niêm phong với những bức tường ố những vết cháy đen và những khung cửa kính bị bễ .  Nơi đây như vừa xảy ra 1 trận hỏa hoạn đã làm hủy hại nguyên toà nhà 2 tầng.   Tôi chợt hiểu nguyên nhân tại sao anh không còn đón tàu nữa .

Khoảng chừng 1 tháng sau, bất ngờ anh lại xuất hiện trên tàu. Lần này trông anh bụi như 1 cậu học trò với 1 chiếc cặp trên vai và vài cuốn sách trên tay.  Cũng cái mũ có hai cái tai chụp và cái áo gió rộng thùng thình. Anh nói anh trở lại để báo cho tôi biết rằng, anh đã thi đậu GED và đang bắt đầu vào chương trình đại học.  Anh gởi lại tôi cuốn tự điển cũ màu vàng.  Anh cũng móc trong túi ra 1 chiếc máy tính nhỏ hình chử nhật rồi lắc lắc và khoe:

- Mình mới tậu được cái này oách lắm.

Rồi anh bấm một từ Anh Ngữ vào và nhấn nút.   Lập tức có tiếng phụ nữ phát ra phiên âm đúng chử ấy kèm theo nghĩa tiếng Việt.   Đó là cuốn tự điển điện tử.

- Mình học bằng cái này nhanh lắm chị ạ .

Cặp mắt anh sáng lên chăm chú vào máy như 1 đứa trẻ đang háo hức chơi game.  Tôi thầm cảm phục ý chí của anh.   Chỉ trong vòng mấy tháng, anh đã như một người khác.

- Vậy anh tính học về ngành gì?

- Mình chưa xác định.   Nhưng mình cũng thích học về ngành kĩ nghệ như đa số bây giờ. Tạm thời quan trọng nhất là học xong phần Anh ngữ, những lớp đọc, viết, rồi sau đó đến lớp toán, sinh, hóa để xong phần general requirements.   Rồi sau đó vào ngành.   Mình muốn học nhiều lắm chị ạ.

Tôi vừa xúc động vừa thán phục khả năng tiếp thu và tìm tòi của anh.  Chỉ trong vòng nữa năm mà anh đã tự thu thập được tất cả mọi thông tin cần thiết để trở thành một người học sinh với đầy đủ kế hoạch và hy vọng. Với ý chí và cái đà này, anh sẽ còn đi rất xa nữa...

Sau đó tôi đổi việc làm và mất hẳn liên lạc với anh.   Nhưng mỗi lần nghĩ về anh tôi lại cảm thấy có điều gì vô cùng ấm cúng và tràn đầy hy vọng.   Anh là hiện thân của ý chí phấn đấu và vươn lên.  Có lẻ bây giờ anh cũng đã tốt nghiệp 4 năm và đã có việc làm ổn định tương đương với những người hành khách áo quần chỉnh tề, tay mang cặp táp, cổ thắt cà vạt và chiếc điện thoại liên tục nháy đèn. Nước Mỹ là 1 vườn địa đàng của cơ hội dành cho những người biết nắm lấy nó, và Cali - Silicon Valley có những thành phố có thể biến hầu hết những ước mơ thành sự thật . Giấc mơ của những thế hệ Gen-X.

Pensee