Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2008

Nắng đỏ

Hôm nay bầu trời âm u. Nắng hầm hầm mầu đỏ úa tan loảng trên sân. Phải, cái nắng, cái gió, cái hầm hầm oi bức này gợi cho tôi nhớ về bà ngoại. Ngày tôi còn bé, tôi quấn quýt bên bà không lúc nào ngơi . Những ngày trời như thế này bà thường đưa tay vuốt vuốt cái khăn xoa quấn mái tóc cắt ngắn trên đầu rồi thở dài, "Giời thế này y cái tết mậu Thân."

Những ngày như vậy bà thường lấy trầu ra nhai. Tôi rất thích ngồi bên cạnh những lúc bà chuẩn bị nhai trầu. Tôi sẽ có dịp nghịch ngợm với cái hủ vôi hồng và những trái cau non bà bổ làm bốn. Rồi bà sẽ nhờ tôi tước hộ cái vỏ màu xanh. Bà têm tí vôi, quấn quanh lá trầu rồi bỏ vào miệng. Miếng trầu bà nhai được một lúc thì nó đổi ra màu đỏ ua úa như màu gạch trộn với màu rượu vang đỏ. Khi ấy tôi thường thấy khóe mắt bà ngân ngấn nước. Bà đưa tay quẹt quẹt đôi mắt và nhổ miếng trầu cái tuẹt vào cái gốc nho bên trái vườn sát chổ bà ngồi, rồi bà lại têm cái trầu khác. Bà tôi hay có những khoảng khắc buồn vui ưu tư như thế trong những ngày thời tiết đổi thay.

Bình thường bà là một người mau mắn, tháo vát và rất chăm chỉ làm lụng . Bà hay dùng con dao con rọc mỏng những ống tre lấy dây lạt, rồi bà sẽ đan thành những chiếc rá con con dùng để ươm cây hoặc để dùng vào bất cứ công việc gì nhà nông có thể dùng tới. Những trưa hè thường chỉ có ba bà cháu tôi ở nhà. Bà thường bảo tôi lấy truyện ra đọc cho bà nghe. Bà là người đơn thuần. Tâm hồn bà chân chất như đám mạ xanh, như đám lúa vàng ngoài nương ngoài ruộng. Bà chẳng có những kho tàng cổ tích như những người bà khác. Thỉnh thoảng bà ngắt quãng tôi ở những đoạn tôi đọc không rõ, hoặc bà hiểu không rõ:

- Thế, có con Vân nhà chị Kím trong ấy nữa à?

Tôi lăn ra cười rũ rượi:

- Bà ơi, cái chử đó là "vân vân... và vân vân" ... có nghĩa là còn nhiều nữa, chứ không phải là con Vân.

Bà gật gù:

- À...

Một bà, một cháu. Một già một trẻ. Một chưa học qua một trường lớp nào. Một chỉ học đến lớp ba lớp tư . Thế mà họ ngồi bên nhau trưa này qua trưa khác không biết bao nhiêu buổi trưa hè. Lúc bà buồn, bà vui, bà thủ thỉ. Khi cháu hư, cháu bướng bỉnh, cháu giận bà. Có ngày bà cháu giận nhau không nói chuyện. Thế rồi lại làm lành. Bà dỗ cháu, cháu dỗ bà, cứ như đôi trẻ con vừa mới lớn.

Thế mà bà thương tôi lắm. Những lúc tôi lì lợm bị bố phạt quì góc tường, bà len lén lại nịnh bố, và nói bâng quơ đủ cho cả hai cùng nghe:

- Bố tha cho rồi đấy, hứa với bố lần sau thì chừa rỗi.

Mặc dù tôi không đủ can đảm để nói rằng tôi "chừa" bà vẫn trả lời hộ tôi:

- Rồi, con nó hứa chừa rồi. Bố tha cho nó nhá!

Thế rồi tôi len lén đứng dậy lẻo đẻo lủi sau lưng bà. Mẹ tôi mà thấy thế thì chỉ lãi nhãi nói với theo:

- Cháu mà hư là tại bà đấy.

Bà xa quê hương Phát Diệm có cái chợ Bùi Chu của bà đã ngót nghét mấy chục năm. Ấy mà bà nhớ như in từng chi tiết. Đình làng. Bờ ao. Bà nhớ cả họ tên từng cố nhân, từng người trong gia phả họ tộc. Nhớ quê hương, bà thèm ăn bánh đúc. Mỗi lần hàng xóm có ai đi chợ nhân thể ghé mua hộ bà gói bánh đúc và gói mắm tôm màu đỏ tím. Vắt thêm tí chanh, tí đường. Ăn mãi rồi tôi bị nghiện món bánh đúc . Ngày nào tôi cũng hỏi "bà ơi, hôm nay có ai đi chợ mua bánh đúc không hở bà?"

Bà là cả tuổi thơ của tôi. Tuổi thơ nhẹ nhàng và không có nhiều để kể về bà. Thế nhưng bà chiếm ngập cả tâm hồn tôi. Trong tim tôi và cả trong giấc mơ của tôi lúc nào cũng dấy lên hình ảnh bà. Cả những kĩ niệm của bà cũng làm tim tôi nhói lên những mủi kim . Như là bầu trời với cái mầu nắng đỏ hôm nay. Bổng dưng mà mắt tôi lại ngân ngấn nước.

Pensee