Thứ Hai, 14 tháng 4, 2008

Giấc Mơ Clementine...




Khoảng 3-4 tuổi tôi bắt đầu đi nhà trẻ. Nhà trẻ của tôi là nhà trẻ bất hợp pháp (thời ấy không có lớp học tư nào là hợp pháp cả) do các nữ tu dòng Phao lô cũ đã về hưu dậy . Nhà dòng này sau 75 đã bị nhà nước giải tán và tịch thu hết tài sản gồm đất đai và trường học, chỉ để lại một khu nhà nhỏ này lại cho các sơ đã lớn tuổi ở và sinh hoạt. Nhà dòng được cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bằng những bức tường cao có những giàn hoa leo phủ kín. Bên trong là một dẫy nhà được bao quanh bởi khu vườn mùa nào cũng có những luống hoa, rau quả và những giàn nho có trái nhỏ li ti. Ở chính giữa vườn là chiếc bồn nước có những bức tượng thiên thần nhỏ quì chung quanh và tượng đức Mẹ ở giữa đang chấp tay cầu nguyện . Không khí ở bên trong nhà dòng rất trang nghiêm, ngăn nắp và lặng lẽ . Các sơ sống ẩn mình hẳn bên trong thế giới ấy và rất ít khi tiếp xúc với xã hội bên ngoài. Sinh hoạt thường ngày của họ là cầu nguyện, đọc sách, trồng hoa quả, thêu thùa may vá, và dậy học.

Lớp học bao gồm khoảng 6-7 đứa trẻ, con của những gia đình có máu mặt. Chử máu mặt ở đây phải hiểu theo nghĩa cực bóng, bởi vì họ chỉ đơn giản là những gia đình có mối quan hệ thân tín với nhà dòng từ lâu đời . Trong số 6-7 đứa trẻ ấy, tôi là đứa may mắn (hồi đó tôi không nghĩ là mình may mắn) được các sơ tận tình dậy dỗ từ buổi ban sơ cho đến tận sau này lớn lên các sơ vẫn tiếp tục dậy kèm cho đến ngày tôi đi vượt biên...

Thời đó, buổi sáng tôi phải đến trường từ rất sớm và sinh hoạt với các sơ cho đến tận chiều. Đến khi đi học ở trường công thì một buổi học trường, buổi còn lại ở nhà các sơ . Các giờ học được chia theo giờ giấc như sau: Cầu nguyện, hát nhạc, tập đàn, tập đọc, tập viết, và làm thủ công... Trong các giờ học ấy, tôi chỉ thích giờ ngủ trưa và sau đó là giờ thức dậy được các sơ đọc hoặc kể truyện cho nghe .

Tôi có cái tật từ nhỏ là khi các sơ dậy hát tôi hay cắt ngang lời sơ với những câu hỏi vớ vẫn như: mai bo ni lai âu vơ đi ô sân nghĩa là cái gì hả sơ? Sơ sẽ phải kiên nhẫn giải thích: "My bonnie lies over the ocean có nghĩa là....." và sơ sẽ phải kể một câu chuyện dân gian hay gì đó có liên quan đến xuất sứ của bài hát ấy. Tôi luôn luôn ấn tượng về những bài hát tiếng Anh và Pháp và những câu chuyện dân gian do các sơ kể . Nhiều bài hát hồi đó tôi chỉ nhớ lời chứ chẳng biết nó viết ra làm sao. Ví dụ như những bài tiếng Pháp như này: "À lu ét te ze tờ a lú et ... À lu et... " hoặc là "chìn gà bòng... đa bi nhong..." (thông cảm cho trí nhớ của tôi... trên 20 mấy năm rồi không hát lại.. )

Trong những bài hát thời ấy, Clementine lời Việt là bài tôi có nhiều ấn tượng nhất. Sơ kể về một xứ sở xa xôi ở một chân trời nào đó trên bản đồ thế giới, nơi ấy có những con suối lấp lánh đầy những hạt vàng kim loại, và những người dân di cư về đây sinh sống . Trong đám di dân ấy, có một gia đình có cô con gái chăn cừu xinh sắn với đôi môi đỏ và những lọn tóc óng vàng.

Giầy cao, ống mới ôm cổ chân dài
Giầy rất oai của Clementine

Sơ kể về nơi có những đôi giầy ống đủ màu sắc dành cho cả người lớn và cả trẻ em. Ở quê tôi lúc ấy chỉ có người lớn mới đi giầy cao ống, và họ chỉ mang nó để làm việc vào những ngày mưa dầm, và những đôi giày bằng cao su này chỉ có một màu đen duy nhất. Tôi cố hình dung đến những đôi giày cao ống đủ màu sắc nhỏ nhắn dành riêng cho trẻ em nó trông như thế nào, và tôi mơ ước có được một đôi màu xanh da trời để tôi có thể tha hồ che dù đi dọc dưới những con mương đầy nước dưới những cơn mưa .

Tôi về kể cho mẹ tôi nghe về những đôi giày màu sắc kì diệu này. Mẹ cười bảo với tôi rằng đó chỉ là chuyện cổ tích. Nhưng rồi một ngày nọ, mẹ đã biến một phần lớn chuyện cổ tích đó thành sự thật bằng cách đặt hàng một đôi "ủng" (giầy cao ống) bằng cao su cở nhỏ vừa chân tôi bằng một số lượng cà phê . Mẹ cười niềm vui đong đầy nơi ánh mắt khi mẹ bảo tôi ngồi xuống để mẹ xỏ thử từng chiếc giầy vào chân cho tôi. Mẹ lo xa mua đôi giầy lớn hơn chân tôi 1 cỡ để tôi có thể sử dụng chúng cho đến khi tôi lớn. Mẹ âu yếm vuốt đôi giầy và bảo rằng từ nay chân tôi sẽ không còn bị ghẻ lở vì những trận mưa dầm nữa. Tôi sung sướng hình dung mình đang là cô nàng Clementine .

Một trong những giờ học tôi chán nhất là đàn dương cầm. Trên thế giới có hai loại người có quan hệ với đàn dương cầm, một là người chơi đàn, hai là người không thích chơi đàn. Tôi sinh ra là loại người thứ hai. Trong khi người chị họ bằng tuổi tôi có thể đàn lưu loát các bài hát để trình diễn ở các buổi tiệc gia đình, và sau này là tay chơi đàn chính cho nhà thờ, thì tôi vẫn luôn luôn ở bực vỡ lòng và chỉ có thể chơi mỗi bài Ave Maria, và chẳng bao giờ đánh được một cách thành thạo lưu loát.

Tôi chỉ đam mê một môn duy nhất đó là vẽ tranh và tô màu. Tôi có thể ngồi hàng giờ và quên ăn quên ngủ để vẽ. Thời ấy giấy bút rất hiếm hoi. Bị cô giáo và các sơ mách về tội xé giấy tập để vẽ, bố tôi thường phải kiểm tra và sẽ phạt nếu cuốn tập 100 trang trở nên mõng dính chỉ còn lại 20 trang. Bố tôi cấm tôi không được vẽ bất cứ dưới một hình thức nào và chỉ muốn tôi chú ý học đàn . Có lẻ vì ông sợ cho tương lai của tôi hơn là sợ tốn giấy . Mẹ tôi thì có biện pháp rất khả thi và tích cực, đó là bà mua cho tôi một hộp phấn màu và bảo rằng: "Con tìm góc sân nào đó rồi vẽ. Vẽ xong rồi dội nước xóa đi thì bố không thấy."

Với hộp phấn màu, hàng ngày vào giờ rảnh tôi thường ra góc sân ngồi lặng lẻ vẽ một mình . Các sơ cũng tôn trọng sự tự do của tôi và hay đi qua đi lại để ngắm và đôi khi động viên bằng những lời khen nho nhỏ. Những hình ảnh mà sơ Gioan kể về đất nước của Clementine không ngừng ám ảnh và đưa sự tưởng tượng của tôi đến những nơi hoang dại nhất. Tôi vẽ Clementine mặc bộ âu phục đeo thắt lưng oai vệ cưỡi trên lưng ngựa đang vượt băng qua con suối . Tôi vẽ Clementine đội mũ rộng vành, mặc áo đầm hoa đang dắt bầy cừu ngang qua sườn đồi. Thậm chí tôi vẽ Clementine mặc quần jeans bó, áo thun bó, đeo ba lô trên lưng, tay cầm khẩu súng đang nhắm vào một con cọp khổng lồ... Mỗi ngày tôi có mỗi tưởng tượng về Clementine khác nhau và tôi ước mơ tôi chính là Clementine.

Trong những câu chuyện, sơ hoàn toàn không nhấn mạnh với chúng tôi về những đoạn u buồn:

Rồi em vấp ngã, chân nặng đôi giầy
Trượt xuống sông rồi Clementine

Trong kí ức của tôi, Clementine không chết. Clementine theo tôi lớn lên, vào đời và thôi thúc sự tò mò của tôi về quê hương của cô ấy, nơi có những con suối trong lấp lánh những thỏi vàng kim và có những người di dân với những bài hát đồng dao nhẹ nhàng mỗi buổi chiều tà bên ánh lửa, và nhất là, những đôi giầy cao ống đủ mọi màu sắc dành cho cả người lớn và trẻ em.

Ôi em yêu kiều, ôi em yêu kiều
Người yêu dấu hỡi Clementine!

Pensee


Sorry I disabled reader comments due to so many spams..