Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2008

Cali - Quê người, quê tôi.

Tối hôm qua 2 vợ chồng đi ăn bò 7 món. Ăn xong 2 đứa ghé vào quán chè mua 2 đứa 2 ly chè sương sa hạt lựu và chè thập cẩm ngồi ăn ngắm ông đi qua bà đi lại. Quán chè đông khách, hết người này đến người kia cười nói huyên thuyên làm không khí lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt. Xong quán chè chúng tôi đi qua tiệm sách Borders ngồi đọc sách uống cà phê. Bàn bên cạnh có một nhóm mấy cô chú lớn tuổi ngồi truyện trò 1 cách rôm rả. Tự dưng tôi cảm thấy một điều gì đó hết sức gần gủi với họ. Tôi cười theo những câu chuyện tếu ông chú nào kể bên bàn bên đó . Trên đường về, tôi nói với T, "Nếu mình chuyển đi nơi khác không có người Việt, chắc buồn lắm nhỉ?" Ống trả lời không cần do dự, "Yup".

Ngày tôi chuẩn bị hành lý, gồm 2 cái suitcases đựng mấy bộ quần áo và vài cuốn sách để lên đường từ đông sang tây, chị tôi đã năn nĩ tôi ở lại, "ở bên đó không có ai, lỡ có chuyện gì." Nhìn chị buồn, tôi cũng buồn. Nhưng tôi phải đi. Cái chân tôi là chân đi. Tôi hứa với chị chỉ đi một năm thôi rồi, "Năm sau em về."

Tôi đến Cali với chiếc vé máy bay có khứ hồi giá chưa tới hai trăm đồng. Thành phố hôm ấy đang vào mùa xuân. Lá hoa cây cỏ còn xanh mướt. Những sườn đồi trãi đầy hoa cỏ vàng. Hàng quán đầu tiên tôi ghé ăn là quán bún bò huế trên đường Senter. Nó vừa bẩn vừa nhỏ hẹp như 1 hàng quán nhỏ ở Việt Nam. Tôi làm một lúc 15 chén bánh bèo và thêm một tô mì quảng. Chẳng biết có phải vì đói hay vì món ăn hợp khẩu vị. Có lẻ cả hai.

Ban đầu tôi ở tạm nhà người quen. Sau tôi mướn phòng ở một gia đình cô chú nọ. Họ ngăn gian nhà ra làm hai dãy. Dãy đàng sau gồm 2 phòng thông ra sân sau dùng để cho mướn. Gian phòng này có lối đi riêng bằng cổng sau. Cô chú này rất tốt bụng. Ban ngày tôi đi làm, họ vào dọn dẹp nhà tắm bồn rửa và phòng bếp luôn cho tôi cứ y như truyện cổ tích cô tiên trong tranh. Hễ tôi cần gì hỏi tin tức từ họ là họ giúp tìm luôn cho tôi. Sống ở đây, tôi có cảm giác như tôi đang ở nhà của cha mẹ tôi, ngoại trừ họ không canh chừng lúc nào tôi đi sớm về khuya. Mỗi tháng trả tiền nhà, họ muốn nhận tiền mặt thay vì nhận check. Tôi có thói quen đưa gởi cái gì cũng bỏ vào phong bì cho nó đúng phép tắc. Mỗi lần nhận, cô cứ cười xã lã, "trời, sao con bày vẽ chi cho tốn phong bì. Cứ đưa không cho cô được rồi." Cô nói thì nói vậy, nhưng thư từ của tôi gởi về hộp thư nhà cô, cô cũng gom lại và bỏ vào một phong bì lớn, đặt ngay ngắn trên góc cửa sổ phòng tôi. Thỉnh thoảng cuối tuần cô làm món gì đó. Thấy tôi cả ngày im ắng trong phòng, cô gõ cửa mời tôi ăn thử.

Cái thời gian đấy tôi rất buồn và cô đơn vì chưa có nhiều bạn bè. Người quen trong nhà thờ thì tôi chơi không hợp lắm, thành thử tôi cũng hạn chế liên lạc. Cuối tuần tôi thường nằm ở nhà mở cửa sổ nghe hàng xóm mở nhạc inh ỏi và tán dóc (hoặc đôi khi, chửi lộn) với nhau. Chán thì leo lên Internet viết nhăng viết cuội và đọc tin tức. Thời ấy cũng có nhiều forums, nhưng không hiểu sao tôi cũng chẳng bao giờ liên hệ với cá nhân nào trên thế giới Internet cả. Rảnh rỗi thì đọc hoặc mua cái này cái kia cho đến lúc chán thì tắt máy nằm ngó trần nhà suy nghĩ sự đời. Mà cái hay ở cái xóm tôi đang ở này là nhìn ngoài vào thì nó rất "ghetto" có nghĩa là xóm nghèo nàn và mất an ninh. Thế nhưng khi ở quen rồi thì nó y như cái xóm ở bên VN vậy. Thành phần cư dân ở đây đa số là Việt Nam và Mễ. Một căn hộ có thể có 7-8 chiếc xe đậu chen lẩn trước nhà. Điều này cho biết là căn hộ này chứa trên 5-7 người, có khi cả chục người không chừng.

Mấy căn nhà đối diện nhà tôi ở cứ vào buổi chiều chập choạng hoặc hai ngày cuối tuần là họ đồng loạt mở cửa garage. Trẻ nít đạp xe đạp và nô đùa chung quanh xóm. Đàn ông thanh niên 5-7 người chụm lại uống bia lai rai. Mấy anh Mễ bán sinh tố đi qua đi lại bấm chuông leng keng. Lúc đầu mới dọn về xóm này, tôi thấy sợ và khó chịu vô cùng. Nhất là mỗi lần tôi đậu xe và đi ra đi vô trước cổng. Mấy ông đàn ông thanh niên mấy nhà bên rất nham nhở. Họ luôn luôn gọi với theo đàn bà con gái, "Em ơi... em... đi đâu đó? Qua đây chơi với anh... " blah... Ở bên FL từ lúc lớn tới giờ tôi thật sự không quen với cái lối xàm sỡ vô duyên như vậy. Nhưng dần dần rồi họ mỏi miệng không gọi thường xuyên, và tôi cũng quen dần . Tôi nghiệm ra rằng sự nham nhở của họ cũng vô thưởng vô phạt, cũng chẳng hại gì mình. Ngược lại ngày nào tôi đi đâu về khuya mà thấy khu xóm yên lặng không có mấy ông này ngồi tán dóc thì tôi thấy cũng sợ. Sợ cướp sợ Mỹ đen, sợ đủ thứ... Nhưng quả thật, cái xóm xô bồ này vô cùng bình yên.

Sau hai năm thì tôi dọn vô ở chung với bác Hai. Bác Hai chẳng có bà con gì với tôi cả, nhưng tha hương ngộ cố tri, tôi quen bác rất tình cờ và 2 mẹ con bác muốn tôi dọn vô ở chung cho vui. Bác cũng coi tôi như con. Tôi thích ăn món gì, bác nấu món đó. Tôi thích ăn canh khổ qua, bò kho, hủ tiếu. Bác thường xuyên nấu những món đó cho tôi ăn. Có khi 1 tuần nấu 1 món 2 lần. Đến nỗi có ngày con ruột bác nó nổi cáu, "Tui nghĩ kiếp trước chắc má với nó là 2 má con quá!" Bác cười, "chắc vậy rồi" Có lẽ tại tánh tôi tào lao và không câu nệ. Có người thích có người không thích. Mà cũng kì, có người thương thì chìu luôn cả sở thích của tôi. Ngày ngày bác như người mẹ hiền, dọn phòng tắm, rồi xếp luôn quần áo mới giặt cho tôi.

Bác Hai thích coi phim bộ nhiều tập. Bác thường hay thắp nhang và cúng. Bác hay rãi gạo ra trước sân. Bác nói, "Để cho mấy vong hồn nó có đồ ăn." Thương người sống đã đành. Vong hồn mồ côi cũng thương luôn. Ôi, người phụ nữ miền Trung.

Mỗi lần có bộ phim nào hay, bác đợi tôi về, dọn thức ăn ra cho tôi ăn, đợi tôi ăn xong, bác mới mở phim ra coi chung. Bác vừa coi vừa hồ hởi kể đoạn này đoạn kia. Có nhân vật bác ghét bác chửi nó y như là chửi kẻ thù đang hại gia đình của bác vậy. Đoạn phim buồn thì bác khóc sụt sịt ước cả khăn giấy. Ngày nào hết phim coi thì bác mở cải lương. Cái tuồng gì có Kim Tử Long là bác mê nhất, coi đi coi lại. Tôi chẳng biết gì về cải lương, nhưng bác kể tên hết kép này đến kép kia tôi cũng gật gù ngồi nghe. Có vậy thôi mà có ngày 2 bác cháu ngồi tào lao cũng tới 1 giờ sáng.

Cuối tuần tôi hay chở bác đi khu Grand Century, hoặc Lion Plaza cho bác đi dạo hàng quán. Mua cái này, mua cái kia. Có ngày còn ghé qua Bình Minh mua lẩu dê về 2 bác cháu nhậu. Những ngày con bác nó rủ tôi đi chơi, thì bác buồn lắm. Người lớn tuổi thường rất cô đơn. Tôi là người thích sống cô đơn, nên tôi hiểu được sự cô đơn. Đối với người trẻ, cô đơn là sự lựa chọn. Nhưng đối với người già, cô đơn là một sự mất mát.

Mỗi lần tôi rủ con bác đi chơi chung với chúng tôi, nó từ chối. Tôi hỏi tại sao? Nó trả lời, "My mom làm me mắc cở lắm. Đi đến chổ đông người she acts so uncivilized. Ví dụ như she hay chen lấn, rồi la lối chổ đông người. Đến nhà hàng ăn she hay bốc tay rồi rớt đồ xã rác tùm lum. Bởi vậy me không dám đi chung với her." Tôi không biết nói sao. Bởi vì khi đi với bác Hai tôi không cảm nhận được những điều đó. Tôi chỉ thích vì bác là 1 người rất vui tính và rất tốt bụng . Đôi khi tôi ước đó là mẹ tôi. Nhìn thấy bà ngày ngày gói ghém từng miếng ăn cho con, mà tôi cảm nhận hết tình người mẹ. Tôi còn nhớ có bửa 2 bác cháu ghé vô tiệm mua bánh mì. Khách hàng trong tiệm lu bu mất trật tự, chẳng có hàng lối gì cả. Ai bon chen nhào vô trước thì mua trước. Bác Hai cũng nhào vô chen lấn chỉ để mua cho tôi 1 ổ bánh mì và 1 ly nước mía. Tôi hỏi sao bác không ăn? Bác nói bác già rồi sức đâu mà nhai bánh mì ba gét. Không có sức để nhai bánh mì ba gét vậy mà có sức để chen lấn mua cho tôi ổ bánh mì.

Từ bác Hai, tôi có cái nhìn độ lượng hơn với cuộc sống. Tôi biết nhìn vấn đề từ nhiều khía cạnh. Tôi biết tôi vẫn còn nhiều tuổi đời để học hỏi. Còn rất nhiều khía cạnh khác của cuộc sống tôi thật sự chưa biết và chưa cảm thông. Nhưng tôi biết một điều. Đó là tôi yêu Cali vô cùng, và chắc tôi sẽ không trở về FL nữa.

Những thành phố vùng Bay có rất đông người Việt. Nhưng tôi chỉ quen biết vài người, và cũng chẳng mấy ai biết tôi. Vì thế, tuy nó nhìn ồn ào và xô bồ, nhưng nó lại vô cùng yên tỉnh. Những khi đi tiểu bang khác, tôi không thích cái cảm giác người ở đó nhìn mình như là dân thiểu số. Mọi nhất cử nhất động của mình đều bị theo dõi coi mình hành động có khác họ không? Mình ăn mắm ăn nêm gì cũng phải ngó quanh xem hàng xóm có nhăn mặt hay không. Ở Cali vùng Bay, tôi hoàn toàn không phải lo lắng chuyện đó. T lớn lên ở tiểu bang này. Ông ấy có 1 nhóm bạn thân chơi chung từ lớp mẫu giáo. Cái đặc biệt là cả nhóm toàn Á Đông, và thằng nào cũng khoái ăn mắm và hiểu những từ lóng mà cha mẹ hay la mắng họ. Đi bất cứ nơi đâu, tiệm sách, nhà hàng, hoặc sở làm tôi cũng luôn luôn cảm giác như đang ở quê hương của mình. Có lẻ, tôi chọn Cali là quê hương cuối cùng, và chị tôi cũng chẳng hề hỏi tôi "khi nào về?" nữa.

Pensee