Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2008

Khoảng khắc Cinema Paradiso
















Hồi nhỏ tôi rất mê đến rạp xem chiếu bóng . Mỗi lần được chị tôi, hoặc nhà trường hứa hẹn cho đi xem một cuốn phim gì mới công chiếu là lòng tôi nô nức đến nỗi tối hôm trước ngủ không được, cứ nghĩ về nó và lòng tràn lên một hạnh phúc lâng lâng. Niềm vui đó nó tương đương như ngày tết .

Tôi không khỏi nghĩ đến giây phút đứng xếp hàng trước rạp, tay cầm chắc chiếc vé có in số ghế ngồi . Rồi tôi sẽ mua một vài viên kẹo đường hoặc túi đậu phộng luộc của các cô cậu bán hàng rong . Rồi tôi sẽ ngồi yên lặng trong rạp chờ đợi, cho đến khi mọi bóng đèn vụt tắt . Âm thanh ồn ào hổn độn của tiếng cười đùa, la hét, bổng ngừng bặt . Một sự yên lặng tuyệt đối . Chung quanh tôi, mọi cặp mắt dường như đang tròn xoe trong bóng đen . Mọi người đều sẳng sàng trong tư thế chờ đợi . Bừng . Màn ảnh rộng lớn được kéo ra . Sáng ngời . Những thước phim nhựa bắt đầu chạy dọc trên màn ảnh, kèm theo tiếng cọc cạch, cọc cạch, của chiếc máy projector phóng ra từ phía cuối rạp .

Những dòng chử hiện lên, tên diễn viên, tên đạo diễn... Tiếng súng nỗ, tiếng tàu lửa chạy ... Bóng người mẹ choàng chiếc khăn đen đổ dài trên con đường làng . Bà lầm lủi bước đi, đôi mắt gióng về phía cuối con đường .

"Con đường này đã đưa bao nhiêu thanh niên ra trận . Bà chẳng chờ đợi ai ."

"Alyosha, khi em nói em không còn người thân nào cả, có nghĩa là em muốn nói em yêu anh đấy, ngốc ạ!"

"Anh có yêu em không?"

Đấy là hình ảnh và lời thoại của thước phim "Bài tình ca Người Lính", một trong những cuốn phim trắng đen mà tôi được coi lần đầu tiên trên màn ảnh rộng thời bé mà tôi còn mang máng nhớ được với trọn vẹn gói cảm giác trong veo .

Lúc tôi vào đại học, tôi được may mắn ở khu nội trú ngay sát cạnh rạp chiếu bóng . Những buổi tối cuối tuần vắng lặng trong không gian cô tịch của miền tỉnh lẻ, tôi thường đi bộ qua rạp, mua cho mình một vé theo chỉ tiêu giảm giá cho học sinh, thời bấy giờ là $4.50 một vé . Học sinh được bớt thêm 50%. Thêm một ly coke cỡ trung, một cái bánh mì súc xíc thơm nồng mùi dưa muối và cay cay vị tương cải xanh, thêm một thố bắp rang trộn bơ vàng béo ngậy thơm phưng phức . Lần nào cũng thế, cảm giác ngồi trong rạp chờ đợi xuất phim bắt đầu nó cũng cho tôi cái cảm giác bừng bừng tinh khôi . Cứ y như tôi vẫn còn là một đứa con nít đang ngồi đợi bóc gói quà ngày giáng sinh .

Vào mùa hè, rạp hát ở trường đại học vắng hẳn khán giả . Có nhiều hôm tôi là người khán giả duy nhất trong rạp . Tôi tha hồ chọn chổ ngồi ngay chính giữa khán phòng thênh thang, chỉ một mình tôi với màn ảnh rộng . Đến cái đoạn phim chiếu chiếc máy bay đang bay qua miền thảo nguyên . Tôi cảm thấy như mình như là nhân vật chính đang đi chinh phục thế giới, chinh phục những trở ngại nhỏ nhặt thường ngày, vượt qua những dặm thử thách để tung cánh bay theo những ước mơ . Tôi thấy mình trở nên vĩ đạị Và, cái cảm giác đó vô cùng mạnh mẽ, thiêng liêng.

Có một dạo, chiếc ghế ngồi cạnh tôi không bao giờ trống . Anh bạn thân học cùng lớp cũng xin được việc làm soát vé . Thế là cứ 9 giờ tối lại có thêm một cái bóng ôm nào là nước ngọt, bánh mì, kẹo gấu và bắp rang lui cui lần mò trong bóng tối vào chổ ngồi bên cạnh chổ tôi ngồi . Có phim chúng tôi coi đi coi lại hai ba lần là chuyện bình thường . Coi xong xuất sớm, chúng tôi ngồi tán hưu tán vượn, bàn luận đủ mọi chuyện trên đời, và chờ đợi xuất phim kế tiếp ...

Cuộc đời cứ thế trôi, kĩ thuật làm phim mỗi ngày mỗi tiến bộ . Nhưng những thông điệp về cuộc sống của những con người với những tư tưởng đẹp vẫn không hề thay đổi . Mỗi cuốn phim là một bức thông điệp về nhân sinh quan qua những mảnh đời khác biệt trên khắp mọi nẽo đường đời . Một cuốn phim được gầy dựng cách đây ba mươi năm theo bối cảnh thời bấy giờ cũng có thể đưa tôi vào hiện tại của thì quá khứ . Tôi cảm được trái tim mình nhói đau trước sự chia ly . Thế rồi nước mắt cứ thế lăn dài theo dòng âm thanh lúc trầm lúc bổng . Có lúc thoang thoảng chung quanh có tiếng nấc nghẹn và tiếng khịt mủi sụt sịt . Để đến khi nhân vật chính đứng trước mối đe dọa của tử thần, thì mọi tiếng động trở nên ngưng bặt. Hồi hộp . Nín thở . Thế rồi ngay sau đó cả rạp ồ lên những tiến cười rộn rã . Tiếng vỗ tay, tiếng hút gió vui mừng . Phải, cuộc đời này có gì đâu để mà thẹn thùng e ngại . Cứ khóc cứ cười cho thật đã, thật thoải mái, thật tự do .

"Mẹ đã không chờ được cha con, nhưng mẹ nhất định sẽ chờ được con . Về nhé, Alyosha."

"Shura, tôi còn một điều muốn nói cho em biết... đợi tôi .. "

Khi nào cũng vậy, khi cuốn phim kết thúc, tâm trạng của tôi cũng lềnh bềnh khó tã . Một nữa của tôi nằm trong thế giới hiện tại đang vương vấn với một mãnh đời nào đó không liên hệ gì đến tôi . Nữa còn lại của tôi như đã nằm hẳn trong thế giới cinema và nó đang giằng co để trở về với thế giới hiện tại .

Đấy, chính là lúc tôi xử dụng trọn vẹn gói cảm xúc mà đấng tạo hóa đã ưu ái trao ban tặng cho loài người.

Pensee

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2008

Xỏ Giày Vào














Khi còn là một đứa trẻ, mọi thứ hiện ra trước mắt nó đều kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Tôi cũng không ngoại lệ . Tôi còn nhớ năm tôi khoảng 6-7 tuổi tôi hay hỏi vặt kinh khủng, và những câu hỏi thường được lập đi lập lại . Có những buổi chiều tôi chỉ tay về hướng thành phố xa xa và hỏi bố tôi:

- Đó là cái gì?
- À, toà nhà lớn đó là sở lao động của thành phố.
- Còn đằng đó là cái gì ?
- Đó là cái tháp của chùa cao đài
- Còn đằng đó ? ... đằng đó ?

Ngón tay tôi không ngừng chỉ cho đến khi bố tôi mệt phờ và ông mất hết sự kiên nhẫn và điềm tĩnh vốn có . Ông đáp gọn lỏn khi ngón tay tôi chỉ đến một điểm xa tít:

- Chân trời.
- Là cái gì ? Khi nào bố dẫn con đến đó ?
- Là một nơi có rất nhiều cái văn minh mới lạ . Khi nào con học giỏi nhất lớp thì bố dẫn đến . Bây giờ thì đừng hỏi nữa, bố mệt rồi.

Tôi lớn lên với vô vàn những thắc mắc lẩn quẩn trong đầu . Tôi tò mò về tất cả mọi thứ, ngay cả những điều mà người lớn bảo là con nít không nên tò mò . Khi sự tò mò về những điều xung quanh đã được đáp ứng thì tôi bắt đầu hướng về những phía chân trời xa nơi chứa những điều bí ẩn về thế giới văn minh kì lạ . Bố tôi là một người luôn giử lời hứa cho dù đó là một lời hứa vặt vãnh . Mỗi lần ông gọi tôi, "nào, xỏ giầy vào" là tôi biết tôi sắp được đi đến một nơi nào đó hoặc là ít nhất cũng sẽ khám phá ra một điều gì đó mới lạ .

Cứ như thế, tôi lớn lên, khi tôi không vừa ý với những gì hiện tại, tôi luôn nhớ về chân trời của bố tôi và những chử, "nào, xỏ giầy vào ."

Những buổi chiều, sau một ngày làm việc mệt mỏi với cả núi công việc và những trách nhiệm khiến tinh thần tôi uể oải, cuộc sống của tôi trở nên nhàm chán, vô vị.

Xỏ giầy vào - Tôi bảo tôi như thế.

Bước ra đường tôi có thể cảm nhận những hạt nắng cuối ngày đang còn đùa nghịch trong gió .

Trên những con đường, tôi bắt gặp những bà mẹ đang đẩy những chiếc xe nhỏ chở những em bé với khuôn mặt bầu bỉnh và những cặp mắt tròn xoe nhìn tôi cười toe toét . Con nít sao thích cười thế nhỉ ? Mà tại sao nụ cười đó lại biến mất khi người ta đã lớn ? Mà phải công nhận, khi cười, cảm giác thật khỏe mạnh . Hãy thử đi . Nhắm mắt lại . Nhè nhẹ hít một hơi thật sâu vào . Rồi, thở ra . Mở mắt ra . Nhìn vào mắt em bé rồi cười thật tươi vào . Cười sao cho đúng cái cười của em bé ấy . Ôi, tinh khôi làm sao .

Tôi cũng gặp một vài ông bà cụ đẩy những bánh xe lăn hoặc bước rà theo những chiếc gậy giúp người già đi bộ . Họ đi chậm rãi từng bước từng bước một . Ấy vậy mà họ lại còn dắt thêm những con chó con bé tí ti bằng những quả dưa chuột nữa chứ! Thỉnh thoảng họ phải dừng lại lui cui giúp con chó đi vệ sinh, rồi họ lại phải cúi còng người xuống để dọn dẹp những vết nhơ con chó đã để lại trên mặt đường . Phải chăng đó là thái độ của những người đi mon mót niềm vui hiếm hoi trong cái tuổi già hiu quạnh không nhỉ . Hình ảnh này làm tôi khựng lại trước cái viễn cảnh tương lai của tôi khi mà sức khỏe không còn hiện diện nữa . Tôi bổng rùng mình .

Con đường tôi chạy mỗi ngày dài hơn một dặm . Từ con phố nhỏ chạy băng qua khu công viên . Có những ngôi nhà im lặng cổng kín tường cao với khu vườn bên trong cỏ non xanh mươn mướt. Có những ngôi nhà với những cánh cửa sổ he hé mở vọng ra âm thanh ồn ào văng vẳng từ những chiếc máy truyền hình mỏng khổ lớn treo trên tường . Tiếng TV át hết tất cả mọi âm thanh . Có những ngôi nhà thơm ngan ngát mùi thức ăn mà chắc chắn trong đó có một người cha, người mẹ hoặc một người vợ nào đó đang ưu ái dồn hết tâm tư vào bửa ăn tối . Gia đình này hẳn là hạnh phúc, bởi vì hiếm có ai có thể trói buộc mình trong nỗi bực dọc trước những món ăn đang bốc hơi thơm phưng phức thế kia . Thỉnh thoảng, ở đâu đó trên con đường tôi cũng thoạt nghe những tiếng cãi cọ, chửi rủa . Ở những cánh cửa nơi xuất xứ những âm thanh đó, tôi nhìn thấy bóng đêm hoàn toàn bao trùm . Tôi có thể hình dung ở một xó nào đó trong ngôi nhà ấy, có một cô bé hay cậu bé đang thu mình trong sự sợ hãi, cô đơn .

Rồi tôi chạy ngang qua cái công viên rộng lớn với những hàng cây xoè rộng những tán lá bên những chiếc xích đu và những chiếc cầu tuột đầy màu sắc . Mỗi lần chạy qua đây, tôi đều leo lên chiếc cầu tuột, tuột xuống 1 vòng . Tôi nhớ mình cũng đã từng là trẻ con . Mình cũng đã từng ao ước có một chiếc cầu tuột y như thế này đặt ngay trong sân nhà mình . Ước mơ đã qua . Ấn tượng về tuổi thơ đã mờ nhạt. Thế nhưng những cảm xúc vẫn còn đọng lại ngọt ngọt mặn mạn . Tôi vẫn còn chiếc sẹo nằm nguyên vẹn trên cùi tay này là dấu vết của những ngày mê xích đu hồi nhỏ . Chiếc xích đu của cái thời quê hương nghèo nàn và đổ nát . Chiếc xích đu đã không nhân nhượng tuổi thơ và nó đã đứt dây xích khi tôi hứng chí đu lên thật cao để hơn hẳn xích đu của đám bạn . Độp . Chiếc xích đu rơi . Tuổi thơ xích đu của tôi cũng rơi luôn từ đó và tôi không bao giờ dám chơi lại nữa . Xích đu, cầu tuột, bãi cát, bùn cưa . Cám ơn đôi giày cho tôi còn có dịp chiêm nghiệm những điều nhỏ nhặt và nhận diện rõ hơn những gì mình đã trãi nghiệm .

Khi lớn lên, tôi đã đi qua nhiều miền đất và nhận ra rằng thế giới chẳng hề có chân trời . Chân trời của bố tôi chỉ là những kì vọng không hề có giới hạn mà người cha thường luôn luôn dành cho con cái .

Những khi tôi mệt mỏi hoặc đứng trước những bế tắc của công việc, hoặc một ai đó làm tôi phiền lòng, hoặc cuộc sống này không mấy làm tôi vừa ý, tôi luôn tự sắm cho mình một đôi giày đi bộ mới . Bạn cũng nên như thế! Hãy luôn nhớ rằng vẫn còn một nơi nào đó trong thế giới này vẫn đang mong mõi chờ đợi bạn đi qua . Có câu nói là: "Always buy a good pair of shoes and a good bed as if you aren't in one you are in the other."

Vũ trụ này chính là ngôi nhà tạm trú của chúng ta và đôi giày chính là dụng cụ để đôi chân chúng ta cảm nhận được hơi thở của lòng đất . Khi chúng ta trong tư thế mang giày, chúng ta sẽ nhận thức được mình đang ở vị trí của một khách bộ hành, và khách bộ hành thì luôn luôn sẳn sàng cho những con đường phía trước . Cuộc sống này tất cả cũng chỉ là một điểm dừng chân tạm bợ, một nơi nghĩ giải lao để rồi chúng ta sẽ phải tiếp tục đi tiếp về phía trước . Trái đất hình trái cầu, và nó quay trong vòng tròn quĩ đạo . Nếu ta không đặt điểm khởi đầu thì những cuộc di chuyển chẳng bao giờ có điểm kết thúc . Chỉ có điểm dừng chân.

Nào, xỏ giầy vào!

Pensee